“Cuộc cách mạng” trong đổi mới pháp luật đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 29/10/2024, sau khi Chính phủ báo cáo, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đa số ý kiến đánh giá việc sửa đổi Luật đã tháo gỡ căn bản vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, góp phần giải bài toán chậm giải ngân. Ảnh: Lê Tiên
Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, góp phần giải bài toán chậm giải ngân. Ảnh: Lê Tiên

Cần thiết sửa Luật, đưa nhanh dòng vốn vào nền kinh tế

Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội cho rằng, việc triển khai thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 là một bước tiến lớn, bảo đảm công khai, minh bạch, hạn chế tình trạng xin - cho trong quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, góp phần và tạo điều kiện để đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, vướng mắc. Đa số ý kiến UBTCNS nhất trí về sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong thực tế.

Các nhóm chính sách lớn trong sửa đổi Luật nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho biết, trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến của UBTCNS tán thành với đề nghị của Chính phủ thông qua Dự án Luật tại 1 kỳ họp nếu quá trình thảo luận có đồng thuận lớn. Đây là những vấn đề Chính phủ xác định là đã chín, đã rõ, cần gỡ ngay để thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng XIII, kịp thời chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đánh giá, việc sửa Luật Đầu tư công đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, ví dụ phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục để tiết kiệm thời gian triển khai kế hoạch và chuẩn bị đầu tư dự án, đẩy nhanh dòng vốn vào nền kinh tế. Nếu Luật được thực thi tốt, với tinh thần này, sẽ góp phần quan trọng trong giải bài toán chậm giải ngân đầu tư công.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ ngay được nhiều khó khăn vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải trong thời gian qua.

“Cuộc cách mạng” trong đổi mới pháp luật đầu tư công ảnh 1

Tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Nhã Chi

Đột phá về phân cấp, phân quyền

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…

Đa số đại biểu Quốc hội đồng tình với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, nhưng một số ý kiến còn băn khoăn về vấn đề phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương (NSTW) giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), quy định này có thể dẫn đến tình trạng dự án này khó thì vốn được chuyển dự án khác, giải ngân đầu tư công có thể nhanh, nhưng có thể không trúng định hướng đầu tư ban đầu..

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) thì lo ngại quy định phân cấp tại khoản 8 Điều 18, nếu phân cấp đến cấp xã thì có thể không đủ năng lực thực hiện, vì xã không có phòng ban chuyên môn, năng lực của cán bộ còn hạn chế, nên chăng chỉ nên quy định phân cấp đến cấp tỉnh, huyện.

Đồng thuận nâng quy mô vốn đầu tư công của các nhóm dự án lên để phù hợp với quy mô nền kinh tế, nhưng một số ý kiến cũng băn khoăn việc nâng quy mô của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên. Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cân nhắc việc nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên gấp 3 lần như Dự thảo, vì việc thông qua các cấp phê duyệt giúp chuẩn bị dự án được kỹ hơn, tạo ra khuôn khổ pháp lý tốt hơn cho các dự án này. Theo ông Cường, mức nâng lên 2 lần chung cho tất cả nhóm dự án là phù hợp.

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu làm rõ, chặt chẽ thời điểm xác định nợ đọng; làm rõ “trường hợp cần thiết” để tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; quy định ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư; giám sát cộng đồng…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc tách giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập là vấn đề quan trọng của Dự thảo Luật. Giải ngân đầu tư công chậm có nguyên nhân quan trọng do GPMB. Sửa đổi lần này quy định căn cứ quy hoạch, nguồn vốn đã xác định, khu tái định cư đã xác định, cộng với quyết tâm của cấp ủy người đứng đầu thì sẽ giảm được 6 - 8 tháng, làm trước được nhiều việc cho công tác chuẩn bị đầu tư. Quan trọng hơn là tách bạch được 3 khâu trong quá trình của 1 dự án, vừa rút ngắn được thời gian, vừa rõ trách nhiệm ở khâu nào.

Phân cấp, phân quyền cũng là đổi mới rất mạnh. Dự thảo Luật phân cấp tối đa cho địa phương và phân cấp thấp đi 1 cấp, từ Quốc hội chuyển cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ UBTVQH xuống Chính phủ, từ Chính phủ giao địa phương, HĐND giao cho UBND. Phân cấp rất mạnh mẽ, tuy nhiên, một số ý kiến đại biểu Quốc hội về phân cấp đến cấp xã, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu.

Việc phân cấp cho Thủ tướng trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSTW giúp linh hoạt hơn và cũng không vượt thẩm quyền. Quốc hội quyết định về tổng ngân sách, còn vấn đề điều hành, vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện có thể giao Chính phủ để linh hoạt, nhanh hơn.

Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng, còn băn khoăn mức nâng có cao quá không? Mức hiện nay đã quy định từ năm 1997, năm 2019, Chính phủ xin điều chỉnh lên 20.000 tỷ đồng nhưng Quốc hội chưa đồng ý vì cho rằng còn ít dự án. Tuy nhiên, Chính phủ rà soát danh mục chuẩn bị làm, các lĩnh vực theo 30 nhóm vấn đề, có khoảng 30 dự án trên 30.000 tỷ đồng. Chính phủ cân nhắc các yếu tố từ quy mô nền kinh tế tăng lên, trượt giá, thực tiễn, tính ổn định của luật, thì mức 30.000 tỷ đồng là hợp lý.

Vấn đề phân cấp từ HĐND cho UBND với dự án nhóm B, C, báo cáo thẩm tra của UBTCNS còn băn khoăn. Điều 17 Luật Đầu tư công 2019 đã cho phép thực hiện phân cấp trong trường hợp cần thiết và thực tế đã có 43 tỉnh phân cấp. Quy định này chỉ thay đổi cấp quyết định chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch. Chính phủ đã lấy ý kiến 63 tỉnh, thành về vấn đề này và địa phương đồng ý 100% phân cấp từ HĐND cho UBND với dự án nhóm B, C.

Dự thảo Luật cũng thiết kế chương riêng cho dự án ODA để thuận lợi trong quá trình thực hiện, đặc biệt là giải ngân độc lập nguồn cấp phát và nguồn cho vay lại, có nguồn vốn nào thực hiện ngay nguồn vốn đó để linh hoạt, nhanh hơn, đồng thời có quy định đảm bảo chặt chẽ, vẫn phải cam kết giải ngân vốn vay lại. Sửa đổi này gỡ được một trong những ách tắc lớn nhất của dự án ODA hiện nay.

Các vấn đề khác như nợ đọng, giám sát hội đồng, thủ tục với dự án quy mô nhỏ… sẽ được nghiên cứu, làm rõ hơn, thuận lợi khi thực hiện nhưng vẫn quản lý, giám sát kiểm tra được.

Chuyên đề