Nhà đầu cơ Bill Ackman - Ảnh: CNBC. |
Nhà quản lý đầu cơ nổi tiếng Bill Ackman đang có một cú "lội ngược dòng" ngoạn mục sau những pha thua lỗ trầm trọng trong những năm gần đây.
Theo trang CNBC, quỹ Pershing Square của ông Ackman đã tăng 24,7% trong thời gian từ đầu năm đến ngày 12/2. Trong vòng 1 năm qua, quỹ này đã được giới truyền thông nhắc đến nhiều bởi các vụ thâu tóm cổ phần mới trong chuỗi bán lẻ cà phê Starbucks và tập đoàn khách sạn Hilton Worldwide Holdings.
Trong lá thư gửi cổ đông gần đây nhất, ông Ackman cho biết kết quả khả quan của Pershing Square thời gian qua có được là nhờ đầu tư vào các công ty gồm ADP, Lowe’s, Starbucks và Chipotle.
Trong quý 3/2018, Pershing đã bán hết cổ phần trong công ty thực phẩm đóng gói Mondelez, và thay vào đó mua cổ phần trong Starbucks với mức giá trung bình 51 USD/cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa khoản đầu tư vào Starbucks đến nay đã tăng thêm 37% giá trị.
Pershing cũng gặt hái thành công nhờ khoản đầu tư vào Chipotle, chuỗi nhà hàng chuyên món bánh burrito, một loại bánh truyền thống của Mexico. Trong 12 tháng qua, cổ phiếu Chipotle đã tăng 136%, đạt 593,66 USD/cổ phiếu.
Hiện nay, Pershing là cổ đông lớn thứ nhì của Chipotle. Ông Ackman lần dầu mua cổ phiếu của chuỗi nhà hàng này vào năm 2016, với mức giá trung bình 405 USD/cổ phiếu.
Chưa kể, Pershing đã chốt lời nhanh 100 triệu USD nhờ bán cổ phần trong hãng thời trang thể thao Nike vào năm ngoái.
Quãng thời gian ăn nên làm ra này đối với ông Ackman và quỹ Pershing Square diễn ra sau một thời kỳ thua lỗ triền miên của nhà đầu cơ có tiếng ở Phố Wall. Kể từ mức đỉnh trên 20 tỷ USD vào năm 2015 đến thời điểm đầu 2018, Pershing Square đã mất hơn một nửa giá trị.
Giá trị tài sản ròng của quỹ giảm 4% trong 2017 và giảm 0,7% trong 2018, trong khi chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng 19% trong 2017 và giảm hơn 6% trong 2018.
Một số thách thức của Pershing trong mấy năm trở lại đây bao gồm khoản lỗ 4 tỷ USD do đầu tư vào công ty dược Valeant Parmaceuticals.
Vụ bán khống cổ phiếu công ty thực phẩm bổ sung Herbalife không chỉ khiến ông Ackman thua lỗ trầm trọng, mà còn mất uy tín bởi đó là một "trận đấu" thu hút sự chú ý lớn của dư luận giữa ông Ackman và một "trùm" đầu cơ khác là ông Carl Icahn.
Ông Ackman bán khống cổ phiếu Herbalife dựa trên lập luận cho rằng công ty này chỉ là một mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp khổng lồ. Ông tin cổ phiếu Herbalife sẽ giảm về 0. Tuy nhiên, đến tháng 3 năm ngoái, cổ phiếu Herbalife đạt mức tăng 100% trong vòng 5 năm, khiến ông Ackman phải cay đắng bỏ cuộc.