Hợp đồng DBO sẽ rất đáng giá với ngân sách nhà nước vì lựa chọn được nhà thầu với chi phí hợp lý và cam kết trách nhiệm cao. Ảnh: Tiên Giang |
Tận dụng sự sáng tạo của nhà thầu
Đó là chia sẻ của bà Anna Wielogorska, Trưởng bộ phận đấu thầu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam trong buổi làm việc tại TP.HCM về Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 - cấu phần xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải. Theo thông tin từ bà Anna Wielogorska, cấu phần xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế theo hợp đồng DBO, loại hợp đồng rất mới tại Việt Nam.
“Hợp đồng DBO có thể xem là rất mới ở Việt Nam, do đó, khi triển khai sẽ không dễ dàng. Tuy nhiên, với những đặc tính ưu việt của dạng thức hợp đồng này, ngay từ khi triển khai Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM, WB với tư cách là nhà tài trợ đã quyết tâm giới thiệu và theo đuổi hợp đồng này” - bà Anna Wielogorska cho biết.
Theo đó, hợp đồng DBO giúp tập trung vào vận hành bền vững, được thực hiện bởi 1 đơn vị vận hành có kinh nghiệm. Đây là cơ sở để đưa khu vực tư nhân tham gia vào ngày càng sâu trong lĩnh vực xử lý nước thải. Qúa trình lựa chọn nhà thầu sẽ thông qua đấu thầu đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh. “Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều dự án xử lý nước thải vận dụng thành công dạng thức hợp đồng DBO. Từ năm 2002, Hoa Kỳ đã ủy thác cho tư nhân vận hành dự án xử lý nước thải Vịnh Tampa. Đây là một trong những cơ sở xử lý nước phức tạp nhất thế giới và là dự án nước uống sử dụng hợp đồng DBO lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thông qua đấu thầu, hợp đồng DBO này đã giúp Hoa Kỳ tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi ngay lập tức thành quả khi dự án đi vào vận hành” - một chuyên gia đấu thầu của WB cho biết.
Mặt khác, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Lê Hoàng Minh cho biết, với dạng thức hợp đồng DBO, chủ dự án của cấu phần xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM có thể "khai thác” được sự sáng tạo của nhà thầu trong việc đề xuất các giải pháp công nghệ, giải pháp thi công… trong bước thiết kế (D – Design) và trong việc tổ chức thi công (B – Build); đồng thời, khi nhà máy xử lý nước thải xây dựng hoàn thành, nhà thầu phải tổ chức việc vận hành (O – Operate) một cách hiệu quả nhất. Việc vừa Thiết kế - Thi công - Vận hành đảm bảo tính liên tục, tính trách nhiệm và không thể “đổ lỗi” cho bất kỳ bên nào khi sản phẩm đưa vào vận hành, khai thác.
Sân chơi sôi động của nhà thầu quốc tế
Riêng ở Việt Nam, các chuyên gia cho biết, đến nay, chỉ duy nhất Đà Nẵng đã triển khai dạng thức hợp đồng DBO và ghi nhận tín hiệu tốt. Cụ thể, Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng và Dự án Phát triển bền vững Đà Nẵng đều áp dụng dạng thức hợp đồng này. Đó là Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Hòa Xuân (trị giá 243 tỷ đồng) được tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế, đã có 18 nhà thầu mua hồ sơ mời thầu và 9 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu. Đặc biệt, cả 9 nhà thầu này đều là nhà thầu nước ngoài. Nhà thầu SFCJV đã trúng thầu với giá 200 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm 17%. “Đà Nẵng đã và đang triển khai một loạt dự án khác cũng áp dụng dạng thức hợp đồng này trong lĩnh vực xử lý nước thải như Sơn Trà. Trong tháng 6/2016 này, Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu thầu 2 gói xây lắp của nhà máy xử lý nước thải” - ông Trần Trung Kiên, đồng Chủ nhiệm Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 của WB cho biết thêm.
Trong khi đó, WB khẳng định, đơn vị này chỉ tài trợ cho phần xây lắp, ngân sách nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ phần vận hành, do đó, việc áp dụng DBO sẽ là cơ hội tốt nhất để Nhà nước “đặt hàng” các nhà thầu tư nhân vào hạng mục vận hành được tính toán trong vòng 10 năm.