Ảnh Internet |
Theo Báo cáo Tài sản toàn cầu 2022 của ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse Group AG, đến năm 2026, thế giới sẽ có hơn 87,5 triệu người sở hữu tài sản từ 1 triệu USD trở lên, tăng từ 62,5 triệu người trong năm 2021. Số triệu phú sẽ tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở Trung Quốc - nơi có số triệu phú được dự báo sẽ tăng gấp đôi.
Trong khi 500 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD tài sản ròng trong nửa đầu năm nay, Credit Suisse nhận thấy sự phục hồi nhanh chóng, đặc biệt tại các thị trường mới nổi.
Ngân hàng này kỳ vọng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tạo ra khối tài sản khổng lồ ngay cả khi nền kinh tế đang có dấu hiệu căng thẳng trong bối cảnh phong toả chống Covid-19 và chiến dịch siết kiểm soát các ngành phát triển bùng nổ trong những năm qua như công nghệ và bất động sản.
“Bất chấp lạm phạm và xung đột Nga - Ukraine, chúng tôi tin rằng tổng tài sản trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng tôi dự báo, tài sản của hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách với ở Mỹ, chỉ trong 5 năm từ 2021 đến 2026 sẽ tăng bằng mức tăng ghi nhận ở Mỹ trong 14 năm”, Báo cáo của Credit Suisse cho biết.
Credit Suisse dự báo, tài sản tư nhân trên toàn cầu đến năm 2026 sẽ tăng 36% so với năm 2021, đạt 169 nghìn tỷ USD. Trong đó, tài sản bình quân mỗi người trưởng thành trên toàn cầu đến năm 2024 sẽ tăng 28%, lần đầu tiên vượt qua mốc 100.000 USD. Số người siêu giàu (UHNW) - được định nghĩa là những cá nhân sở hữu tài sản hơn 50 triệu USD - sẽ đạt 385.000 người vào năm 2026.
Các nền kinh tế đang phát triển đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19, khiến tốc độ tăng trưởng tài sản chậm lại. Tuy nhiên, từ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tài sản đã khởi sắc trở lại và Credit Suisse dự báo tài sản ở các nước này sẽ thu hẹp khoảng cách với tài sản ở các nước phát triển trong 5 năm tới. Tài sản của các hộ gia đình tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng 10% mỗi năm, so với mức tăng 4,2% tại các nước thu nhập cao, theo Báo cáo của Credit Suisse.
Năm 2021, tài sản toàn cầu tăng 9,8% so với năm 2020, đạt 463,6 nghìn tỷ USD. Mức tăng này lớn hơn bất kỳ mức tăng hàng năm nào được ghi nhận kể từ đầu thế kỷ. Nhóm 1% giàu nhất chiếm 46% tổng tài sản của các hộ gia đình trên toàn cầu; nhóm 10% người trưởng thành giàu nhất sở hữu 82% tài sản trên toàn cầu. Mỹ là nước có số người siêu giàu lớn nhất, với hơn 140.000 người, tiếp đó là Trung Quốc với 32.710 người.
“Sự khác biệt giữa những nước giàu và những nước kém giàu hơn đã giảm bớt, đó là bởi số người giàu ở các nước thu nhập thấp và trung bình đang tăng lên với tốc độ nhanh hơn”, chuyên gia kinh tế Anthony Shorrocks - tác giả của Báo cáo - cho biết.