Trong 9 tháng năm 2022, có 112.791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Tiên Giang |
Con số DN gia nhập mới và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm nay gấp 1,3 lần mức bình quân ghi nhận trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017 - 2021. Cơ quan đăng ký kinh doanh cho biết, trong số này, có 112.791 DN đăng ký thành lập mới, mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021. Có 16/17 ngành có số lượng DN thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021 gồm: y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; dịch vụ lưu trú và ăn uống; dịch vụ việc làm; du lịch; nghệ thuật, vui chơi và giải trí...
Đồng thời, cả 6 khu vực địa lý trên cả nước đều có số DN đăng ký thành lập tăng so với cùng kỳ năm 2021. Hai khu vực tăng mạnh nhất là Đồng bằng sông Cửu Long với 8.982 DN, tăng 47,0% và Đông Nam Bộ với 45.457 DN, tăng 41,8%.
Về số DN quay trở lại hoạt động, 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận hơn 50.500 DN, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm ngoái. DN quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả 17 lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực chịu nhiều tác động bởi dịch bệnh Covid-19 đang ghi nhận mức tăng rất ấn tượng. Chẳng hạn, giáo dục và đào tạo có 1.266 DN quay lại hoạt động, tăng 74,6%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 2.884 DN, tăng 62,4% so với cùng kỳ; dịch vụ khác có 1.468 DN, tăng 241,4%...
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, số DN gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường tăng lên là điều rất đáng mừng. Điều này chứng tỏ nền kinh tế tiếp tục hồi phục rõ nét, DN cơ bản khai thác tốt các cơ hội đang mở ra.
Cũng theo TS. Lê Đăng Doanh, dù số doanh nghiệp thành lập mới đang tăng nhanh, nhưng so với nhiều nền kinh tế khác, tỷ lệ số DN/dân số bình quân của Việt Nam vẫn khá thấp. Ở những nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, cứ 10-12 người có 1 doanh nghiệp; trong ASEAN nhiều nền kinh tế đạt tỷ lệ 80-100 người có 1 doanh nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, trung bình khoảng 120 người có 1 doanh nghiệp. Vì thế, ông Doanh cho rằng, môi trường đầu tư, kinh doanh cần phải cải thiện hơn nữa, để có thêm nhiều người dân tham gia kinh doanh và kinh doanh một cách thuận lợi. Một nền kinh tế có nhiều doanh nghiệp hoạt động sẽ tạo ra nhiều tạo công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế quốc gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những con số và kỳ vọng lạc quan, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, nước ta có 112.698 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021. Sự tăng lên của số doanh nghiệp Việt Nam rút lui khỏi thị trường, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á mới đây, phản ánh các thách thức trong quá trình phục hồi kinh doanh, ví dụ như thiếu lao động và giảm đơn đặt hàng mới…
Quan sát từ thực tế cho thấy, từ tháng 7 đến nay, do ảnh hưởng của lạm phát, suy thoái xảy ra tại nhiều nền kinh tế, đơn đặt hàng trong nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam như: dệt may, da giầy, gỗ… có dấu hiệu giảm sút. Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn May Hồ Gươm cho biết, với doanh nghiệp dệt may, khó khăn lớn nhất là thiếu đơn hàng, số lượng đơn hàng giảm dần. Với DN ngành gỗ, đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM chia sẻ, tình hình đơn đặt hàng với các DN ngành này đang chậm hơn so với năm 2021. Nhiều DN bày tỏ mong đợi Chính phủ tiếp tục các nỗ lực cải cách, tạo môi trường thuận lợi nhất để giúp DN nâng cao sức chống chịu và nhanh chóng phục hồi, phát triển, góp phần đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.
Thực tế, từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh của nước ta chưa ghi nhận dấu ấn mới. TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc CIEM cho rằng, cần phải tìm động lực mới cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh để các cơ quan quản lý “cộng lực” tốt hơn với sự nỗ lực của khu vực doanh nghiệp. Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp là yếu tố tiên quyết để nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2022, tạo đà thực hiện các mục tiêu trung hạn.