Các công ty Nhật đang tìm đến những nước như Việt Nam hoặc quay về quê hương. Ảnh:Nikkei |
Theo khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) với khoảng 3.000 công ty, trong những doanh nghiệp gần đây chuyển sản xuất ra ngoài, khoảng 8,5% đã quay về Nhật Bản từ Trung Quốc.
“Nguyên nhân lớn nhất là lương nhân công tại Trung Quốc tăng. Việc này đang khiến các doanh nghiệp đổ về các nước Đông Nam Á như Việt Nam, hoặc quay lại Nhật Bản”, Yuichi Kodama - kinh tế trưởng tại hãng bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda nhận xét, “Việc này đã giúp đầu tư vốn tại Nhật Bản tăng lên”.
Ngoài việc chênh lệch lương nhân công ngày càng thu hẹp, đồng yen yếu đi do chương trình nới lỏng tiền tệ kỷ lục của Ngân hàng Trung ương Nhật cũng đang khuyến khích các công ty sản xuất trong nước để xuất khẩu, Yuji Shimanaka - kinh tế trưởng tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities giải thích. Từ đầu năm 2013, yen đã mất giá 15% so với NDT.
Công việc quay về trong nước là tín hiệu tích cực với nền kinh tế lớn nhì thế giới. Nhật Bản đang trong đà tăng trưởng dài nhất hơn một thập kỷ qua.
Dù vậy, xu hướng chung là các công ty Nhật vẫn muốn mở rộng hoặc chuyển sản xuất ra nước ngoài. Họ muốn tận dụng lao động giá rẻ và thị trường tiêu dùng đang bùng nổ - những thứ không có tại xã hội già hóa như Nhật Bản.
Trong 3 tháng đầu năm, lượng sản phẩm Nhật Bản sản xuất tại các nước khác đã lên kỷ lục. “Các công ty vẫn tiếp tục nhắm vào các thị trường có nhu cầu”, Kodama cho biết. Vì thế, Đông Nam Á - với dân số trẻ, đang tăng và kinh tế bùng nổ - trở thành điểm đến ưa thích của các công ty nước này.