Công ty Điện ảnh Hà Nội nắm giữ nhiều khu đất có vị trí đắc địa ở Hà Nội. Ảnh: Lê Tiên |
Kinh doanh yếu kém đã khiến Công ty phải bán đấu giá nhiều bất động sản có giá trị để thanh toán các khoản nợ.
Thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu
Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Điện ảnh Hà Nội mới công bố Báo cáo tài chính đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, tại thời điểm 30/6/2016, nợ phải trả ngắn hạn tăng mạnh từ 24,6 tỷ lên 29,6 tỷ đồng (tăng 20%) và đã vượt qua tổng tài sản 24,4 tỷ đồng của Công ty. Như vậy, Công ty đã không còn khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn này. Vốn chủ sở hữu ngày 30/6/2016 đã âm 5,1 tỷ đồng từ dương 0,881 tỷ đồng ngày 1/1/2016.
Kinh doanh thua lỗ kéo dài chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tài chính tiêu cực của Công ty. Cụ thể, lỗ lũy kế tại ngày 1/1/2016 là 25,3 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2016, Công ty lỗ thêm 6 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm 30/6/2016 ghi nhận 31,3 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ triền miên của Công ty chủ yếu đến từ khoản chi phí quản lý kinh doanh. Khoản chi phí này luôn chiếm đến 60% doanh thu thuần của Công ty và có dấu hiệu tăng lên so với cùng kỳ năm 2015 (tỷ suất chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 0,64 lên 0,68). Trong đó tăng lên chủ yếu từ khoản phí và lệ phí cùng kỳ từ 2,7 tỷ lên 3,7 tỷ đồng. Mặc dù kinh doanh thua lỗ nhưng Công ty lại đặt kế hoạch tăng lương cho cán bộ, nhân viên.
UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu Công ty có báo cáo giải trình và phương án trả nợ, trả nợ khoản tiền thuê nhà với Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội trước khi thực hiện cổ phần hóa.
UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu: 5 khu đất của Công ty Điện ảnh Hà Nội gồm: số 23 phố Thái Thịnh (quận Đống Đa), số 17 - 19 phố Đặng Dung (quận Ba Đình) và 3 khu đất tại huyện Đông Anh phải được thu hồi và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (Sở Tài nguyên & Môi trường) để bán đấu giá.
Câu hỏi đặt ra là, trước đây khi được giao quyền quản lý và sử dụng nhiều khu đất vàng, Công ty Điện ảnh Hà Nội vẫn chìm đắm trong thua lỗ. Vậy sau khi Hà Nội đã thu hồi và thực hiện đấu giá 5 khu đất vàng thì doanh nghiệp này sẽ hoạt động ra sao, liệu có tiếp tục thua lỗ?
Khó cạnh tranh với đối thủ ngoại
Theo khảo sát, các rạp có vốn đầu tư nước ngoài như CGV, Lotte Cinema và Platinum Cineplex đang áp đảo rạp nội địa do có cơ sở vật chất hiện đại và quy mô hoạt động lớn. Như vậy, các rạp chiếu phim của Công ty Điện ảnh Hà Nội khó có cửa cạnh tranh với các công ty trên.
Theo số liệu của Cục Điện ảnh, tính đến hết năm 2016, cả nước có 138 rạp, cụm rạp chiếu phim. Trong đó, các doanh nghiệp nội địa (nhà nước và tư nhân, bao gồm cả hình thức góp vốn hợp tác với nước ngoài) là 92 cụm rạp, còn cụm rạp doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là 46. Tại Việt Nam hiện nay có hơn 480 phòng chiếu phim, trong đó CGV là đơn vị nắm giữ thị phần áp đảo, với 176 phòng chiếu (chiếm 36,4%), Lotte là 111 phòng (chiếm 23%), rạp Quốc gia 98 phòng chiếu (chiếm 20,4%), Platinum Cineplex có 37 phòng chiếu (chiếm 7,7%), BHD Star Cineplex là 36 phòng chiếu (chiếm 7,5%). Các đơn vị khác khác chia nhau phần 5% còn lại.
Liệu Công ty Điện ảnh Hà Nội có thể sống được bằng lĩnh vực kinh doanh chính không hay sẽ lựa chọn kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê - một ngành nghề kinh doanh của Công ty? Công ty hiện còn nắm giữ 6 địa điểm nhà đất trên địa bàn Hà Nội. Những khu đất này có vị trí khá đắc địa như rạp Tháng 8 (số 45 Hàng Bài, Hoàn Kiếm), rạp Dân chủ (số 211 Khâm Thiêm, Đống Đa), rạp Bạch Mai (số 437 phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng).