Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật GEOTEC 2023. Ảnh: Bích Thảo |
Tại Hội nghị quốc tế về địa kỹ thuật GEOTEC 2023 với chủ đề “Địa kỹ thuật vì sự phát triển hạ tầng bền vững” diễn ra ngày 14/12/2023 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, khoa học địa kỹ thuật với các môn khoa học cụ thể như: cơ học đất, địa chất, địa mạo, địa động học, thủy văn, môi trường, cơ học kết cấu, nền móng, công trình ngầm và không gian ngầm… là chìa khóa để giúp mỗi quốc gia chuyển đổi mô hình phát triển, góp phần tối ưu hóa trong sử dụng các nguồn tài nguyên và không gian phát triển. Các nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản về địa kỹ thuật sẽ cung cấp dữ liệu đầu vào quan trọng giúp Việt Nam xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giúp hệ thống kết cấu hạ tầng bền vững hơn.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với các vấn đề sạt trượt tại các khu vực miền núi, ngập lụt, sụt lún tại TP.HCM và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long,… Do đó, việc chú trọng nghiên cứu địa kỹ thuật để tối ưu hóa trong sử dụng tài nguyên, vật liệu; phát triển không gian ngầm tại các đô thị; xây dựng bản đồ tai biến địa chất tại khu vực miền núi; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo… là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Phó Thủ tướng mong muốn, Hội nghị với hơn 200 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu của hơn 40 quốc gia trên thế giới với các tham luận chuyên đề mang tính thời sự sẽ có những đóng góp, khuyến nghị cụ thể cho Chính phủ trong xây dựng chính sách, chiến lược và các giải pháp để góp phần hoàn thành một trong các nhiệm đột phá chiến lược phát triển của Việt Nam trong việc phát triển kết cấu hạ tầng nhanh, xanh và bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Đức Long - Chủ tịch Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển cơ sở hạ tầng. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được Việt Nam đầu tư xây dựng như: các tuyến tàu điện ngầm, hệ thống thoát nước ngầm đang được xây dựng tại Hà Nội và TP.HCM; sân bay quốc tế Long Thành... Việt Nam cũng đang nghiên cứu tuyến tàu cao tốc dọc đất nước. Các dự án về năng lượng gió và năng lượng tái tạo khác cũng đang được hướng tới...
Cơ sở hạ tầng là xương sống của tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn như thiên tai, biến đổi khí hậu, đô thị hóa, số hóa và các mối đe dọa an ninh. Vì vậy, điều quan trọng là phải thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì cơ sở hạ tầng bền vững và có thể thích ứng với những nhu cầu và điều kiện thay đổi.
Theo ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Fecon, Việt Nam là nước nằm trong khu vực địa lý có nhiều đe dọa về thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt điều kiện địa chất rất phức tạp dẫn đến việc phải đối mặt với những vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành và khai thác các loại công trình trên toàn quốc. Vì vậy, nhiệm vụ của các nhà khoa học, các nhà làm chuyên môn là tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi yêu cầu cụ thể, ứng dụng công nghệ phù hợp để mỗi công trình được đầu tư xây dựng phải đảm bảo các tiêu chí: an toàn bền vững, thân thiện môi trường với giá thành thấp nhất.