Công trình hạ tầng kỹ thuật cản bước nhà thầu giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án trọng điểm quốc gia đang bị kéo dài thời gian thực hiện, giảm sức thi công của đội ngũ nhà thầu do vướng mắc tại các công trình hạ tầng kỹ thuật. Nguyên nhân là sự phối hợp giữa địa phương với các đơn vị liên quan như điện, nước, viễn thông… chưa thực sự hiệu quả, kịp thời.
Tại TP.HCM, tình trạng chậm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dẫn tới hàng loạt dự án trọng điểm trì trệ, kéo dài. Ảnh: Châu Tuấn
Tại TP.HCM, tình trạng chậm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật dẫn tới hàng loạt dự án trọng điểm trì trệ, kéo dài. Ảnh: Châu Tuấn

Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tình hình triển khai Dự án thành phần Đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 gặp nhiều trở ngại do các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Đến nay, Dự án đã được bàn giao mặt bằng 49/49,1 km, đạt 99,8%. Tuy nhiên, thực tế, tại tỉnh Khánh Hòa còn nhiều ách tắc rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành liên quan. Tại huyện Diên Khánh, ở nút giao QL27C, đường điện 110 kV đang lắp dựng cột. Tại huyện Cam Lâm, hàng loạt công trình điện chưa được xử lý dứt điểm như: tuyến chính (đường điện của một doanh nghiệp điện mặt trời tại xã Cam Hiệp Nam giao cắt tại Km34+500); tuyến nối cao tốc Km30 với Quốc lộ 1A (vướng đường điện trung hạ thế); 2 vị trí đường điện cao thế 220 kV (1 vị trí tại Km17 đang thi công hố móng, 1 vị trí tại Km23 chưa thi công). Trong khi đó, tại TP. Cam Ranh, vướng mắc phát sinh tại đường điện 220 kV khi vị trí Km52 đã thi công xong móng, đang chờ cắt điện.

Một dự án trọng điểm quốc gia khác là Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong thuộc Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 cũng vướng nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật. Theo thống kê, có tới hàng trăm công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời như: 19 vị trí điện cao thế (tại huyện Tuy An, TP. Tuy Hòa và thị xã Đông Hòa); 145 cột trung thế, hạ thế; viễn thông. Dự án đang vướng 17 vị trí tại các điểm giao cắt cao tốc với quốc lộ, đường huyện (đơn vị chủ quản VNPT, Viettel, FPT sẽ chủ động di dời). Hệ thống cáp quang quốc gia cũng vướng 2 vị trí (Trung tâm Hạ tầng mạng miền Trung chủ động di dời). Đối với hạ tầng cấp nước, giao cắt với cao tốc tại 3 vị trí (Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên sẽ phối hợp với đơn vị thi công xử lý trong quá trình thi công).

“Đến nay, địa phương đã bàn giao mặt bằng 317,1/383,8 ha, tương ứng 39,7/48,05 km (khoảng 82,63%), tuy nhiên mặt bằng không liên tục, vướng rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật”, Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết.

Ban Quản lý dự án 7 thông tin thêm, về việc di dời hệ thống điện cao thế 220 kV, 110 kV, đến nay đã lựa chọn xong đơn vị tư vấn thiết kế bản vẽ thi công (TP. Tuy Hòa đã có ý kiến thẩm định của Bộ Công Thương, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa đang hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Công Thương thẩm định). Tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023.

Với hệ thống điện trung, hạ thế, 5/5 địa phương đã lựa chọn xong tư vấn thiết kế. Huyện Tây Hòa đang triển khai thi công di dời, 4 địa phương còn lại đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công. Tiến độ dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2023. Hệ thống viễn thông, cấp nước... được các đơn vị chủ quản hệ thống cam kết chủ động phối hợp và di dời trong quá trình thi công.

Bộ Giao thông vận tải quan ngại, công tác phối hợp trong quá trình đo đạc, kiểm đếm, thi công di dời, hoàn trả mặt bằng đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật còn chậm, kéo dài, gây khó khăn cho nhà thầu thi công.

Tại TP.HCM, tình trạng chậm di dời công trình hạ tầng kỹ thuật cũng khá nặng nề dẫn tới hàng loạt dự án trọng điểm trì trệ, kéo dài. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, Dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) là điển hình của tình trạng sở, ngành phối hợp chưa tốt dẫn tới hàng loạt hệ lụy xấu. “Công ty Điện lực Duyên Hải chậm trễ di dời hệ thống điện trung, hạ thế dọc tuyến, chậm giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đến nay, công trình có mức đầu tư 589 tỷ đồng dù đã triển khai hơn 20 năm nhưng vẫn còn ngổn ngang”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết.

Trong khi đó, tại Dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (820 tỷ đồng), nút giao thông phức tạp nhất của TP.HCM, hiện các công trình di dời, tái lập cáp viễn thông, điện, nước chưa hoàn tất. Theo kế hoạch, Dự án hoàn thành vào quý IV/2023, nhưng đến nay, khối lượng thi công chỉ đạt khoảng 34,12%. Nhà thầu thi công cho biết, nếu mặt bằng được bàn giao đầy đủ, sẽ hoàn thành thi công vào quý IV/2023.

Chuyên đề