9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Telcom mới chỉ đạt 0,34 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Giá khởi điểm là gần 17.000 đồng/CP, gấp 1,7 lần mệnh giá. Mức giá khởi điểm được đánh giá là khá cao so với một công ty kinh doanh bết bát.
Lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh chính
Telcom trước đây là Công ty Công trình bưu điện thuộc Tổng cục Bưu điện, được thành lập vào năm 1954. Năm 1961 đến tháng 11/2004 là Công ty Công trình bưu điện. Sau đó doanh nghiệp (DN) này được chuyển đổi thành công ty CP theo Quyết định số 59/2004/QĐ-BBCVT ngày 30/11/2004 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông. Công ty có vốn điều lệ 50 tỷ đồng và hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng các công trình bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và các công trình công nghiệp, giao thông dân dụng.
Theo báo cáo tài chính từ năm 2014 đến 9 tháng đầu năm 2016 của Công ty, chi phí quản lý DN luôn cao và ăn sâu vào lợi nhuận kinh doanh của Telcom. Cụ thể, năm 2014, 2015, và 9 tháng năm 2016, lợi nhuận gộp lần lượt là 5,3 tỷ đồng, 10,2 tỷ đồng, và 5,7 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý DN tương ứng với các năm này lần lượt là 7,3 tỷ đồng, 10,1 tỷ đồng, và 5,2 tỷ đồng. Điều đó dẫn đến lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn âm.
Trong kết cấu chi phí quản lý DN, chiếm tỷ trọng lớn là chi phí dành cho nhân viên quản lý. Năm 2014, con số này là hơn 3 tỷ đồng (chiếm 43%), năm 2015 là 3,8 tỷ đồng (chiếm 38% và tăng 27% so với năm 2014).
Câu hỏi đặt ra là tại sao khoản chi phí lương cho cán bộ quản lý của Công ty lại tăng mạnh trong khi hoạt động kinh doanh sa sút?
Chỉ tiêu khả năng sinh lời của Công ty ở mức rất khiêm tốn. Năm 2015, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần chỉ là 0,1%, tức là 100 đồng doanh thu chỉ tạo ra được 0,1 đồng lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản lần lượt là 0,17% và 0,06%. Lãi cơ bản trên một CP (EPS) vỏn vẹn 19,52 đồng.
Năm 2016, Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 3,08 tỷ đồng, nhưng 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế mới chỉ đạt được 0,34 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2016 chưa được công bố.
Tù mù số liệu
Theo báo cáo kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2015, Công ty chưa lập bảng phân tích tuổi nợ của khoản nợ phải thu, chưa trích lập dự phòng công nợ khó đòi theo quy định. Đồng thời, Công ty vẫn ghi nhận 507 triệu đồng giá trị nguyên vật liệu không còn tồn tại và 11,6 tỷ đồng giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang của công trình phát sinh từ nhiều năm trước hoặc của công trình đã nghiệm thu, thanh lý trên sổ sách. Trong bảng cân đối kế toán thời điểm 30/9/2016, Công ty chưa trích lập dự phòng cũng như chưa có hướng xử lý cho các khoản phải thu và hàng tồn kho.
Tổng giá trị các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho tại thời điểm 30/9/2016 là 120 tỷ đồng, chiếm 97% tổng tài sản ngắn hạn và 90% tổng tài sản. Trong khi đó, lượng tiền mặt của Công ty chỉ vỏn vẹn gần 2 tỷ đồng.
Trong năm 2015, Công ty phát sinh khoản phải trả tiền thuê đất 3,6 tỷ đồng ở Định Công và Thổ Quan (Hà Nội). Tuy nhiên, Công ty chưa hạch toán số tiền này vào chi phí trong năm. Nếu phần chi phí này được tính vào kết quả hoạt động kinh doanh thì lãi năm 2015 của Công ty sẽ chuyển sang lỗ.
Trước đó, tại thời điểm 31/12/2014, kiểm toán viên bị hạn chế phạm vi kiểm toán trong việc thu thập bằng chứng xác minh cho các số liệu công nợ phải thu là gần 86 tỷ đồng, và công nợ phải trả 40 tỷ đồng. Do đó kiểm toán viên không thể đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính năm 2014. Tại thời điểm 31/12/2015, số dư công nợ phải thu và công nợ phải trả cũng bị ảnh hưởng do số liệu đầu kỳ chuyển sang. Vì vậy, kiểm toán cũng không thể đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần đối với báo cáo tài chính cho năm tài khóa 2015.
Rõ ràng, các thông tin được công bố cho thấy DN kém hấp dẫn. Với kết quả kinh doanh bết bát, mức giá khởi điểm đưa ra khá cao, vụ đấu giá này khó có thể thành công. Cần lưu ý rằng, nhiều cuộc đấu giá cổ phần của Tập đoàn VNPT thời gian gần đây không thành công do không có người đăng ký mua.