Công bố Top 10 doanh nghiệp vận tải và logistics uy tín năm 2019

(BĐT) - Top 10 doanh nghiệp (DN) vận tải và logistics uy tín năm 2019 vừa được Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố với 3 nhóm ngành: giao nhận, kho bãi và chuyển phát; vận tải hàng hóa; và vận tải hành khách.
Danh sách Top 10 doanh nghiệp vận tải và logistics uy tín năm 2019 - nhóm ngành giao nhận, kho bãi và chuyển phát... (Vietnam Report)
Danh sách Top 10 doanh nghiệp vận tải và logistics uy tín năm 2019 - nhóm ngành giao nhận, kho bãi và chuyển phát... (Vietnam Report)

Các DN được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính: Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông; khảo sát các chuyên gia trong ngành và khảo sát DN được thực hiện trong tháng 11/2019 về quy mô vốn, thị trường, lao động, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2019…

Theo danh sách này, Top 10 DN vận tải và logistics uy tín năm 2019 nhóm ngành giao nhận, kho bãi và chuyển phát… thuộc về các đơn vị, bao gồm: Công ty CP Bưu chính Viettel, Công ty CP Gemadept, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam; Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn; Công ty CP Giao nhận toàn cầu DHL (Việt Nam); Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển in Do Trần; Công ty CP Transimex; Công ty TNHH Expeditors Việt Nam; Công ty CP Kho vận miền Nam; Công ty CP Hợp nhất quốc tế.

Top 10 DN vận tải và logistics uy tín năm 2019 nhóm ngành vận tải hàng hóa thuộc về các đơn vị: Tổng công ty CP Vận tải dầu khí; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Công ty Vận tải dầu khí Thái Bình Dương; Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex; Công ty CP Vận tải xăng dầu Vitaco; Công ty CP Vận tải sản phẩm khí quốc tế; Công ty CP Vận tải thủy Tân Cảng; Tổng công ty CP Đường sông miền Nam; Công ty CP Vận tải xăng dầu Vipco; Công ty CP Vận tải 1 Traco.

Bên cạnh đó, Top 5 DN vận tải và logistics uy tín năm 2019 nhóm ngành vận tải hành khách cũng được công bố. Đứng đầu danh sách là Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Tiếp theo lần lượt là Công ty CP Hàng không Vietjet; Công ty CP Dịch vụ cáp treo Bà Nà; Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabusline và Tổng công ty Vận tải Hà Nội.

Hiện ở Việt Nam có trên 4.000 DN vận tải và logistics cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… Trong đó, 88% là DN trong nước, 10% là DN liên doanh và 2% là DN nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Khả năng cạnh tranh của các DN vận tải và logistics nội địa còn thấp so với DN FDI. Số lượng DN FDI ít hơn nhưng chiếm 70 - 80% thị phần. Dịch vụ chủ yếu mà các DN kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... Còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển.

Theo công bố năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI (Logistics performance index - chỉ số năng lực quốc gia về logistics) được cải thiện đáng kể, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ, từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm. Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng.

Chuyên đề