Còn nhiều điều kiện kinh doanh “trói chân” doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 2 đợt cải cách thủ tục, điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trước đây (năm 2016 và năm 2018), nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) liên quan tới ĐKKD đã được hủy bỏ, đơn giản hóa. 
Hoạt động kinh doanh khí do 2 cơ quan cùng đưa ra yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Thạch
Hoạt động kinh doanh khí do 2 cơ quan cùng đưa ra yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Thạch

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm bất cập, chồng chéo và bất hợp lý về điều kiện và thủ tục gia nhập thị trường, tạo rào cản cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa.

Mặc dù ĐKKD đối với một số ngành, nghề là cần thiết, nhưng bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - thành viên Ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, có nhiều bất cập trong thiết kế ĐKKD và nội dung đó đang can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của DN. Đơn cử như yêu cầu phải thiết lập hệ thống phân phối ở 2 tỉnh, thành phố trở lên với mặt hàng rượu, xăng dầu...; yêu cầu về phương án kinh doanh khả thi, xếp hạng tín nhiệm với ngành bưu chính, sản phẩm và dịch vụ an toàn thông tin mạng, thông tin tín dụng... Việc đưa ra những ĐKKD trong thời điểm DN gia nhập thị trường là không phù hợp, vì chiến lược kinh doanh của DN có thể thay đổi tùy theo thị trường. Việc yêu cầu như vậy sẽ tạo nên gánh nặng thủ tục hành chính cho DN.

Một số ĐKKD lại do nhiều cơ quan cùng cấp phép, đánh giá cho một hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn như hoạt động kinh doanh khí do 2 cơ quan cùng đưa ra yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, điều kiện đảm bảo an ninh trật tự. Đây chính là sự chồng lấn, gây khó khăn cho DN...

Không chỉ điều kiện gia nhập thị trường, theo nhóm nghiên cứu của VCCI, hiện vẫn có sự chồng lấn và bất bình đẳng trong thủ tục gia nhập thị trường giữa các DN, khi tồn tại 2 hệ thống thủ tục thành lập DN là theo Luật DN và theo pháp luật chuyên ngành. Đơn cử, chủ thể muốn kinh doanh ngành nghề như công chứng, thừa phát lại, ngân hàng, bảo hiểm, luật sư, đấu giá tài sản, giám định tư pháp... hiện không phải đến cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng ký, mà đến cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp để xin giấy phép hoạt động, đồng thời thành lập DN. Về bản chất, những DN này hoạt động tương tự như các loại hình DN tại Luật DN, nhưng lại không thực hiện thủ tục thành lập DN theo luật này. “Vì vậy, cần thống nhất theo hướng tất cả đều phải đăng ký thành lập DN theo Luật DN rồi mới đến cấp phép hoạt động”, bà Hồng đề xuất.

Ngoài ra, nhiều luật sư còn nêu ý kiến về việc thiếu quy định rõ ràng về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến tham vấn giữa các cơ quan nhà nước và phản hồi cho DN về các vấn đề liên quan đến ngành nghề kinh doanh. Theo luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật TNHH Bizlink, nhiều thủ tục do không có quy định cụ thể về thời hạn tham vấn nên các cơ quan thực hiện việc tham vấn còn tùy tiện, kéo dài thời gian mà không có lý do hợp lý, dẫn đến sự mệt mỏi cho DN trong quá trình làm thủ tục. Có thể dẫn chứng thủ tục đăng ký biến động đất đai tại một DN có vốn nhà nước đã được cổ phần hóa.

Luật sư Lê Nết, đại diện Công ty Luật LNT & Partners cũng cho rằng, hiện nay vẫn còn thiếu quy định về thời hạn trả lời văn bản lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan đối với ngành nghề, dịch vụ, nên thực tế các Sở Kế hoạch và Đầu tư thường phải mất rất nhiều thời gian để nhận lại phản hồi của các bộ, ngành, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

“Sẽ khó có thể đảm bảo cải thiện môi trường kinh doanh khi vẫn còn các ĐKKD kiểu “trói chân” DN như vậy. Do đó, trong thời gian tới, cần có làn sóng thứ 3 về cải cách thì mới có thể tạo nên những đột phá trong cải cách về thể chế”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI nói.

Chuyên đề