Còn dư địa cải cách thủ tục hành chính

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng vừa công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC năm 2020 (APCI 2020). Báo cáo đã cho thấy bức tranh chân thực về chi phí thực tế doanh nghiệp (DN) phải chi trả để thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật hiện hành. Và theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, dư địa cải cách TTHC, kiểm soát chi phí tuân thủ còn rất lớn.
Những nhóm thủ tục hành chính có tiến bộ đáng kể trong cải cách phần lớn là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Lê Tiên

Những nhóm thủ tục hành chính có tiến bộ đáng kể trong cải cách phần lớn là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp vẫn phàn nàn về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng, năm 2020, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nói chung và DN tư nhân nói riêng tiếp tục là ưu tiên của Chính phủ và được thể hiện xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng.

Trên các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế uy tín, Việt Nam đã có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Tuy vậy, chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm thấp và trung bình thấp, chỉ xếp thứ 5 hoặc thứ 6 trong các nước ASEAN, đòi hỏi Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ và có những đột phá thực sự để đạt mục tiêu vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN.

Báo cáo APCI 2020 thấy, đối với nhóm TTHC kiểm tra chuyên ngành, bình quân mỗi DN phải bỏ ra 12,2 giờ và gần 2 triệu đồng chi phí trực tiếp để thực hiện một thủ tục này.

Với nhóm TTHC giao dịch thương mại qua biên giới, mỗi DN phải bỏ ra khoảng 7,3 giờ, chi phí trực tiếp xấp xỉ 3 triệu đồng, trong đó chi phí dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí tuân thủ. “Cứ 100 DN thì có đến 51 DN thuê dịch vụ trọn gói để thực hiện TTHC liên quan đến giao dịch thương mại qua biên giới”, APCI 2020 cho biết.

Ở nhóm TTHC xây dựng, trung bình mỗi DN phải bỏ ra 21,2 giờ và 4,7 triệu đồng cho chi phí sao chụp, chứng thực hồ sơ, thẩm định, lệ phí cấp phép xây dựng, một phần chi phí không chính thức… Tương tự, nhóm TTHC môi trường, mặc dù được đánh giá đứng thứ ba về mức độ cải thiện với việc tăng 0,5 điểm so với năm 2019, nhưng phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện của nhóm thủ tục này chưa thực chất…

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chi phí không chính thức giảm nhưng không đáng kể, đặc biệt là ở các nhóm TTHC liên quan đến hoạt động kinh doanh. Đơn cử, ở nhóm TTHC giao dịch thương mại qua biên giới thì có 7% các DN được khảo sát cho rằng có chi phí không chính thức, thường phát sinh ở khâu làm giấy chứng nhận chuyên ngành, khâu kiểm tra hồ sơ, quá trình làm việc tại cảng, cửa khẩu…

Đẩy mạnh chuyển đổi số, hậu kiểm

Phát biểu tại buổi công bố, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh 4 bài học cải cách từ APCI 2020. Trước tiên, những nhóm TTHC có điểm APCI cao, có tiến bộ đáng kể qua các năm là nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ cho việc thực hiện thủ tục của DN, cũng như giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử. Do đó, đẩy mạnh thực hiện và giải quyết TTHC trên môi trường điện tử nhằm cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC cho DN không còn là ưu tiên mà là một nhiệm vụ cấp bách, được đặt lên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.

Hai là tiếp tục đẩy mạnh việc cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tin cậy, tạo cơ hội cho DN tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Ba là, tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm chi phí tuân thủ TTHC. Đối với giải pháp này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, việc chuyển đổi này không chỉ đơn giản là điều chuyển các điều kiện, yêu cầu chứng minh đối với DN từ giai đoạn trước sang sau cấp phép mà là thay đổi hoàn toàn phương thức quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cũng như thay đổi nhận thức của DN về trách nhiệm kinh doanh của mình.

Đối với giải pháp này, ông Nguyễn Hưng Quang, thành viên nhóm nghiên cứu APCI 2020 nhấn mạnh, để chuyển sang hậu kiểm, DN phải tuân thủ pháp luật tốt, còn cơ quan lý nhà nước ngoài việc phải đưa ra tiêu chuẩn, quy chuẩn thì hậu kiểm sẽ giúp DN tuân thủ quy định chứ không phải trừng phạt hay triệt tiêu DN.

Bài học thứ tư là APCI 2020 phản ánh một nền hành chính phục vụ, lấy người dân và DN làm trung tâm từ đó tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội. Công tác cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC không chỉ phụ thuộc vào các yếu tố về thể chế và hạ tầng mà còn về chính những con người thực hiện các TTHC đó với việc thay đổi thái độ phục vụ và đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử.

Chuyên đề