COMA thoái vốn, bán tài sản để trả nợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là một doanh nghiệp có bề dày lịch sử nhưng hoạt động kinh doanh của Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hết sức ảm đạm. Nhằm tái cơ cấu tài chính và hoạt động trong giai đoạn 2021 - 2025, doanh nghiệp với 98,76% vốn thuộc sở hữu của Bộ Xây dựng dự kiến thoái vốn khỏi nhiều khoản đầu tư và tài sản để huy động hơn 250 tỷ đồng.
Tổng số tiền COMA dự kiến thu về từ hoạt động thoái vốn, thanh lý tài sản và thu từ các dự án khoảng 250,78 tỷ đồng. Ảnh: Huấn Anh
Tổng số tiền COMA dự kiến thu về từ hoạt động thoái vốn, thanh lý tài sản và thu từ các dự án khoảng 250,78 tỷ đồng. Ảnh: Huấn Anh

Sau khi cổ phần hóa vào năm 2016, doanh thu của COMA có xu hướng giảm dần, còn lợi nhuận từ năm 2017 - 2020 liên tục âm. Tính đến cuối năm 2020, lỗ lũy kế của Tổng công ty ở mức 323 tỷ đồng, vượt cả số vốn điều lệ 238,5 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2021, doanh thu hợp nhất của COMA giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 44,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 2,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý I/2021, tổng tài sản hợp nhất của COMA ở mức 943,3 tỷ đồng. Do vốn chủ sở hữu âm gần 58 tỷ đồng, tổng nợ phải trả của Tổng công ty lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.

Với quy mô vốn nhỏ, sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của COMA và các đơn vị thành viên trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do vậy, COMA đã lên kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm tái cấu trúc tài chính, từng bước ổn định cơ cấu vốn, giảm vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tích cực thanh quyết toán công trình và thu hồi công nợ…

Thành lập năm 1995, COMA có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực chế tạo, lắp đặt cơ khí tại Việt Nam. Ngày 11/7/2016, doanh nghiệp này đã thực hiện chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tuy nhiên không thành công khi chỉ bán được 80.000 trên tổng số 5 triệu cổ phần và chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 8/11/2016.

COMA dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại 11/16 công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các khoản đầu tư. Các đơn vị được thoái vốn chủ yếu là các công ty hoạt động yếu kém như Công ty CP Khóa Minh Khai, Công ty TNHH MTV Xây lắp và Kinh doanh vật tư thiết bị (COMA 27), Công ty CP Cơ khí và Đầu tư xây dựng số 9 (COMA 9), Công ty CP Thủy điện Hương Sơn… Hoạt động này dự kiến mang về 130,78 tỷ đồng.

Ngoài ra, COMA dự kiến thu từ thanh lý tài sản không dùng (Nhà máy Cơ khí Quang Minh) 100 tỷ đồng và thu từ các công trình, dự án khoảng 20 tỷ đồng.

Tổng số tiền dự kiến thu về từ hoạt động thoái vốn, thanh lý tài sản và thu từ các dự án khoảng 250,78 tỷ đồng sẽ được dùng để trả nợ nội bộ các công ty thành viên, công ty liên doanh, liên kết (109,7 tỷ đồng); trả nợ ngân sách nhà nước 86,1 tỷ đồng; trả nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp 10 tỷ đồng và duy trì sở hữu vốn tại 4 công ty con ở mức 51% là 28,7 tỷ đồng. Phần giá trị còn lại 16,17 tỷ đồng dự kiến phục vụ cho công tác nâng cao năng lực quản trị và làm vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, COMA sẽ tập trung vào 2 ngành nghề kinh doanh chính là chế tạo, lắp đặt thiết bị tiêu chuẩn, phi tiêu chuẩn và kết cấu thép phục vụ xây lắp các công trình công nghiệp và dân dụng; sản xuất hàng công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ tiếp tục duy trì một số lĩnh vực có liên quan đến ngành nghề chính như xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, xuất khẩu lao động, tư vấn quản lý dự án…

Mặt khác, để phát huy lợi thế đất đai, COMA sẽ thực hiện đầu tư kinh doanh bất động sản để tạo nguồn lực tài chính phục vụ đầu tư vào lĩnh vực chính.

Chuyên đề