Theo HDBank, “100% cổ đông của HDBank vui vẻ, phấn khởi, đồng thuận với phương án chia cổ tức của ngân hàng là 10% bằng tiền mặt”. |
Ngày 12/5, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên, tuyên bố trả cổ tức ngay 10% bằng tiền mặt.
Đây là thông tin “gây choáng” nhất trong mùa đại hội ngân hàng năm nay. Khi cổ đông đang ngồi dự đại hội thì HDBank đã chuyển ngay tiền cổ tức vào tài khoản của họ.
Những ngôi sao cô đơn
HDBank tổ chức đại hội đồng cổ đông khá muộn, sau khi hầu hết các ngân hàng khác đã định hình tiếp một mùa uể oải về chuyện cổ tức kém, khất hoặc triền miên không có, hay tiếp tục dị ứng với cổ tức bằng cổ phiếu…
Trên cái nền quen thuộc đó, tuyên bố trả 10% cổ tức bằng tiền mặt, chuyển ngay trong ngày của HDBank đã tạo hiệu ứng truyền thông đối nội và đối ngoại có thể vượt cả chủ ý mong đợi.
Thông cáo về sự kiện này cũng tự tin khi có những tính từ hiếm gặp trong các mùa đại hội đồng cổ đông ngành ngân hàng những năm gần đây: “100% cổ đông của HDBank vui vẻ, phấn khởi, đồng thuận với phương án chia cổ tức của ngân hàng là 10%”.
Ba năm sau sáp nhập DaiABank, 788 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm qua vẫn chưa thực sự xứng tiềm năng quy mô 106.486 tỷ đồng tổng tài sản và 8.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Nhưng, 10% cổ tức bằng tiền mặt đã trở nên nổi bật.
HDBank góp thêm một “ngôi sao cô đơn” trên bầu trời ngày một ít đi những ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức khá cao đó (so với lãi suất tiết kiệm). Trước đó, tưởng như chỉ có Vietcombank là trường hợp duy nhất tiếp tục chia cổ tức 10% bằng tiền mặt.
Cũng lưu ý rằng, việc chia tiền này không phải muốn là được. Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ, thậm chí cân đo từng tí khi phê duyệt. Vì các nhà băng phải thực sự đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, kể cả phải “để dành”, rồi mới được chia tiền.
Cũng vì lẽ đó mà năm nay nhiều ngân hàng thương mại buộc phải giữ lại, khất hoặc tranh thủ nguồn lực cổ tức của cổ đông để gia cố các chỉ số an toàn. Họ buộc phải tăng cường quy mô vốn tự có.
Vậy nên, những điển hình cổ tức bằng tiền mặt, và khá cao, những năm trước như VietinBank, BIDV… năm nay phải tạm vắng (bên cạnh nguyên do khó khăn trong kinh doanh nói chung hoặc phải xử lý những tồn tại trước đây).
Nỗi sợ giảm CAR
Lợi nhuận phải giữ lại, phải tranh thủ lợi ích của cổ đông để tăng quy mô vốn tự có, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) được đưa ra giải trình. Vậy CAR đang và sẽ như thế nào, hệ lụy có đáng sợ không?
BIDV, VietinBank và ngay cả Vietcombank đang đứng trước yêu cầu phải bồi đắp cho CAR. Tình hình chung, cập nhật đến tháng 2/2016, CAR bình quân của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ 9,47%, chớm trên mức tối thiểu Ngân hàng Nhà nước quy định 9%.
Ba “ông lớn” trên, cũng như 7 thành viên khác, đang ráo riết thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn của Basel 2. Nếu tính theo bộ tiêu chuẩn này mà không có bồi đắp thêm vốn tự có, CAR sẽ rơi xuống dưới 9%, thậm chí xuống rất sâu, là cảnh báo.
Về lý thuyết, như tên gọi, tỷ lệ an toàn vốn là yêu cầu phải đảm bảo để… an toàn. Trong đó, quan trọng nhất là vốn tự có để quyết định mức độ có thể mở rộng quy mô tổng tài sản, giám sát chất lượng tài sản.
Cũng như kinh tế của một quốc gia, tổng tài sản ngân hàng cần có tăng trưởng hàng năm. Với các ngân hàng, nó còn là áp lực cạnh tranh không ngừng giữa các thành viên, vì trong đó có hai cốt lõi thị phần cho vay và huy động. Nếu CAR không đảm bảo yêu cầu, thì càng hạn chế kinh doanh và tăng trưởng.
Về thực tế, CAR mà kém hoặc nằm dưới ngưỡng quy định (có thể xem việc thực hiện Basel 2 là ngoại lệ vì còn ở dạng thí điểm) thì thực sự đáng sợ bởi các chế tài, luật định trong xử lý.
Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định rõ: trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không đạt hoặc có khả năng không đạt CAR theo quy định, Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc hạn chế phạm vi hoạt động, xử lý tài sản của tổ chức tín dụng, nhằm bảo đảm để tổ chức tín dụng đó đạt CAR tối thiểu.
Dĩ nhiên, trong quá khứ từng có những giai đoạn hay những trường hợp không đảm bảo được CAR tối thiểu theo quy định. Thậm chí ngay cả hiện nay, hệ thống vẫn phải chấp nhận thực tế gần như “suông” tại những “ngân hàng 0 đồng” chuyển giao từ 2015.
Nhưng, trong xu hướng phát triển và hội nhập với các chuẩn mực quốc tế, thị trường và yêu cầu quản lý đòi hỏi ngày càng chuyên nghiệp, thì khó có chỗ cho sự nhượng bộ cho trường hợp CAR yếu.
Nếu không đảm bảo, ít nhất hoạt động kinh doanh không những bị hạn chế mà còn bị giám sát ngặt nghèo hơn, không loại trừ là cả kiểm soát đặc biệt.