Với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận.
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 109 năm 2010 về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, những điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo về kho chứa, cơ sở xay, xát trong Nghị định 109 đã khiến cho những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ khó đáp ứng.
Do đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân hay những doanh nghiệp có thị trường, khách hàng nhưng không có năng lực tài chính, vốn, đất đai để đầu tư kho chứa nên không được cấp giấy chứng nhận.
Ngoài ra là những bất cập trong dự trữ lưu thông, hợp đồng tập trung và hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung; đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo; quy định về giá sàn; công tác điều hành và trách nhiệm các bộ, ngành...
Do vậy, Bộ Công Thương cho biết trong dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 109 sẽ không quy định điều kiện về quy mô kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo, không khống chế địa bàn đầu tư xây dựng các cơ sở này. Theo đó, chỉ quy định yêu cầu các cơ sở này phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm...
Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, doanh nghiệp sẽ không còn phải đầu tư rất lớn để xuất khẩu gạo, như phải có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm ngàn) tấn lúa; có ít nhất 01 (một) cơ sở xay, xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân sẽ được xuất khẩu mà không hạn chế về số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; khi xuất khẩu chỉ cần thực hiện thông báo hợp đồng xuất khẩu, thủ tục xuất khẩu thực hiện tại cơ quan hải quan.
Dự thảo cũng bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo và quy định về giá sàn gạo xuất khẩu. Đồng thời giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.
Quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), hay thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký xuất khẩu cũng được bãi bỏ. Thay vào đó là quy định áp dụng phương thức thông báo hợp đồng xuất khẩu gạo trực tuyến trên cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, dự thảo mới yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo với người sản xuất lúa. Song thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo...
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, trước đây Bộ đã quy hoạch theo hướng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo phải nằm trên địa bàn 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Nam, Ninh Bình và Nghệ An.
Việc quy định địa bàn là biện pháp kỹ thuật để khống chế số lượng đầu mối, đồng thời, định hướng đầu tư cho thương nhân, tránh đầu tư tại các vùng không có hoặc không có nhiều lúa gạo hàng hóa, hiệu quả sử dụng thấp, gây lãng phí cho đầu tư của thương nhân và đầu tư xã hội.
Tuy nhiên, quy hoạch này đã được bãi bỏ và quy định địa bàn đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 109/2010/NĐ-CP. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, quy định này của Nghị định cũng cần được xem xét vì chưa đảm bảo rõ ràng, minh bạch, không cụ thể.
Mặt khác, việc quy định khống chế địa bàn này cũng tạo ra sự không bình đẳng giữa các địa phương, tạo rào cản đối với thương nhân tại nhiều địa phương khi muốn đầu tư tham gia xuất khẩu gạo. Quy định này cũng thể hiện sự can thiệp hành chính đối với quyền tự do cân nhắc, quyết định địa bàn đầu tư của doanh nghiệp.