Cổ phiếu thuốc lá, smartphone kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm...
Hai nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, ngày 19/4 - Ảnh: Reuters.
Hai nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, ngày 19/4 - Ảnh: Reuters.

Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, với cổ phiếu thuốc lá dẫn đầu sự đi xuống của cổ phiếu tiêu dùng. Những lo ngại về nhu cầu điện thoại thông minh (smartphone) khiến nhóm cổ phiếu công nghệ mất giá, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc và lợi nhuận tăng đẩy cổ phiếu tài chính tăng.

Hãng tin Reuters cho biết, sự giảm điểm của thị trường được thu hẹp một phần vào cuối phiên, sau khi hãng tin Bloomberg cho hay Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein cuối tuần trước nói với Tổng thống Donald Trump rằng ông Rosenstein không phải là một mục tiêu trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Thời gian gần đây, những bấp bênh chính trị ở Washington cũng là một nguồn áp lực giảm điểm đối với chứng khoán Mỹ.

Nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris International trở thành cổ phiếu gây áp lực giảm lớn thứ nhì lên chỉ số S&P 500 sau khi công bố kết quả kinh doanh kém hơn dự báo. Báo cáo tài chính gây thất vọng của hãng này cũng khiến một nhà sản xuất thuốc lá lớn khác là Altria - hãng mẹ của Philip Morris USA - bị "vạ lây", khiến cổ phiếu Altria mất giá khá mạnh.

Lời cảnh báo từ Taiwan Semiconductor, nhà sản xuất con chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là một nhà cung cấp của hãng Apple, về nhu cầu smartphone yếu đi và về sự tăng trưởng chững lại của ngành này trong năm nay đã khiến cổ phiếu các nhà sản xuất chất bán dẫn sụt mạnh. Cùng với đó, cổ phiếu Apple cũng trượt dốc, trở thành nguồn áp lực giảm lớn nhất đối với S&P 500 phiên này.

Cùng với kết quả kinh doanh kém khả quan của Philip Morris và "đế chế" hàng tiêu dùng Procter & Gamble (P&G), nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng cũng chịu ảnh hưởng bất lợi từ sự đi lên của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm. Tuy nhiên, lợi suất trái phiếu tăng đã kéo giá cổ phiếu ngân hàng tăng theo.

"Phiên này, thị trường chịu ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến của trái phiếu", ông Stephen Massocca, Phó chủ tịch cấp cao thuộc Wedbush Securities, nhận định.

Khi lợi suất trái phiếu tăng, các nhà đầu tư thường chuộng trái phiếu hơn là cổ phiếu của những ngành như hàng tiêu dùng và bất động sản - vốn là những ngành hứa hẹn mức cổ tức cao, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm và dễ đoán. Ngược lại, cổ phiếu ngân hàng hưởng lợi vì lãi suất tăng lên có thể giúp các ngân hàng tăng lợi nhuận.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,34%, còn 24.664,89 điểm. S&P 500 giảm 0,57%, còn 2.693,13 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 0,78%, còn 7.238,06 điểm.

Nhóm cổ phiếu tiêu dùng trong S&P 500 giảm 3,2% trong phiên này, dẫn đầu bởi cú giảm 15,6% của Philip Morris. Cổ phiếu Altria mất 6%.

Cổ phiếu P&G giảm 3,3% sau khi hãng cho biết việc các nhà bán lẻ giảm hàng tồn kho và giá nguyên liệu, chi phí vận tải tăng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.

Cổ phiếu Apple giảm 2,8%. Cổ phiếu Taiwan Semiconductor niêm yết tại Mỹ giảm 5,7%.

Nhóm cổ phiếu tài chính trong S&P 500 tăng 1,5%, một phần nhờ mức tăng 7,6% của cổ phiếu American Express, sau khi hãng thẻ này công bố lợi nhuận khả quan.

Tính đến hết ngày thứ Tư, đã có 52 công ty thuộc S&P 500 đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2018. Trong đó, 78,8% báo lợi nhuận vượt kỳ vọng.

Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,22 lần số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 1,71 lần.

Giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng 6,52 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với 6,98 tỷ cổ phiếu bình quân mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề