Cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán mạnh, chứng khoán Mỹ tụt điểm

0:00 / 0:00
0:00
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/2), khi nhà đầu tư bán mạnh các cổ phiếu công nghệ lớn...
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (18/2), khi nhà đầu tư bán mạnh các cổ phiếu công nghệ lớn. Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng đi xuống phiên này, khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng cho thấy sự phục hồi còn mong manh trên thị trường việc làm.

Theo tin từ Reuters, cổ phiếu Apple, Tesla và Facebook trở thành nguồn áp lực giảm mạnh nhất lên hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq.

Trong đó, cổ phiếu Facebook trượt 1,5% trong lúc Phố Wall đánh giá ảnh hưởng của việc mạng xã hội lớn nhất thế giới chặn tất cả các nội dung tin tức ở Australia. Apple và Tesla giảm tương ứng 0,9% và 1,4%.

Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các công ty niêm yết, tiến trình triển khai vaccine ngừa Covid-19, và kỳ vọng vào gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden.

Tuy nhiên, đợt tăng đã kéo dài nhiều tháng qua của thị trường đồng nghĩa với việc định giá cổ phiếu hiện đã bị đẩy lên cao - theo ông Jason Pride, Giám đốc đầu tư thuộc Glenmed.

"Chúng ta đang ở trong một môi trường đầu cơ giá lên cần có sự thận trọng", ông Pride nói và đưa ra hai lý do. "Một mặt, nền kinh tế sẽ hồi phục dựa trên việc triển khai vaccine. Nhưng mặt khác, thị trường đã phản ánh phần lớn nhân tố này và tiến tới trạng thái cổ phiếu bị định giá cao quá mức. Điều đó sẽ khiến thị trường phải chật vật".

Mối lo về sự gia tăng của triển vọng lạm phát cũng là nhân tố khiến nhà đầu tư chốt lời với những cổ phiếu có mức định giá cao thuộc các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ truyên thông. Đây là những nhóm cổ phiếu đã dẫn đầu đợt tăng 76% của S&P 500 kể từ khi chỉ số chạm đáy vào tháng 3/2020.

Ông Peter Essele, trưởng bộ phận quản lý danh mục thuộc Commonwealth Financial Network, cho rằng đã có nhiều sự thái quá được phản ánh vào giá cổ phiếu ở thời điểm đầu năm 2021. "Chúng ta đã bắt đầu bước chân vào một môi trường mà rủi ro lạm phát đã quay trở lại thành một nhân tố thực sự và đáng kể. Một câu hỏi đặt ra lúc này là liệu những yếu tố nền tảng có thể đáp ứng được mức giá cổ phiếu đang hiện hữu hay không mà thôi".

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở nước này tăng lên mức 861.000 trong tuần trước, từ mức 848.000 trong tuần trước nữa, một phần do nhiều nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ phải đóng cửa tạm thời vì tình trạng thiếu nguồn cung con chip trên phạm vi toàn cầu.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,38%, còn 31.493,34 điểm. S&P 500 mất 0,44%, còn 3.913,97 điểm. Nasdaq giamr0,72%, còn 13.865,36 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, chỉ có hai nhóm dịch vụ tiện ích và tiêu dùng không thiết yếu tăng điểm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,3 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,53 lần. Khối lượng cổ phiếu chuyển nhượng thành công trên toàn thị trường phiên này là 13,13 tỷ cổ phiếu.

Chuyên đề