Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Xin giãn tiến độ vì quá nhiều đất
Ông Vũ An Khang, Tổng giám đốc Công ty CP Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) cho biết, nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện đang xin giãn tiến độ cổ phần hóa do nhiều nguyên nhân, trong đó hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.
Do đó, VVFC đề xuất Nhà nước cho phép kết hợp xác định giá trị doanh nghiệp đồng thời với việc tiếp tục trình duyệt phương án sử dụng đất và phải hoàn thành trước thời điểm kết thúc quá trình xác định giá trị doanh nghiệp. Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị, từng khâu để xảy ra chậm trễ trong việc phê duyệt phương án sử dụng đất.
Cùng gặp tình trạng chậm trễ này, bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc Công ty CP Thẩm định giá IVC Việt Nam cho biết, công ty này đang phải chờ UBND của các tỉnh, thành phê duyệt phương án sử dụng đất của 20 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước. “Có những doanh nghiệp có đất ở 20 tỉnh, thành khác nhau mà cứ phải chờ thì đến bao giờ mới thoái vốn được?”, bà Hà nêu câu hỏi.
Liên hệ với trường hợp này, bà Hà cho biết đã từng từ chối định giá doanh nghiệp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vì đơn vị này quá nhiều đất đai và nếu sử dụng phương pháp định giá tài sản thì không biết bao giờ mới có thể làm xong.
“Ngân hàng này có chi nhánh và văn phòng khắp các tỉnh, thành, ở cả hải đảo và vùng biên giới. Việc định giá theo phương pháp tài sản với ngân hàng này là không hợp lý. Thay vào đó, nên định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, đây cũng là phương pháp được áp dụng để định giá các định chế tài chính. Bởi vì, họ là những đơn vị có lợi thế kinh tế được tạo ra từ tài sản vô hình nhiều hơn tài sản hữu hình” - bà Hà nói.
Trả lời ý kiến này, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, khi cổ phần hóa hoặc thoái vốn nhà nước, việc rà soát từng mảnh đất là đương nhiên vì đó là tài sản của doanh nghiệp và phải làm đúng quy định. “Tính giá trị doanh nghiệp mà không biết được doanh nghiệp có bao nhiêu tài sản, bao nhiêu mảnh đất thì không thể chấp nhận được. Về trường hợp của Agribank, phải rà soát hết đất đai của doanh nghiệp là đương nhiên, song định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền là phù hợp với đơn vị này”, ông Tiến nhấn mạnh.
Băn khoăn với tính giá trị văn hóa, lịch sử
Không chỉ vướng mắc với đất, trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp thẩm định giá gần như “bó tay” khi phải xác định giá trị văn hóa, lịch sử của doanh nghiệp cổ phần hóa và thoái vốn. Điều này được thực hiện khi tính giá trị thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định, khi tính giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, đối với một số doanh nghiệp đặc thù, cơ quan tư vấn xác định để báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống (nếu có).
Còn theo Thông tư số 59/2018/TT-BTC, trường hợp không đủ hồ sơ, tài liệu để xác định giá trị văn hóa, lịch sử thì chủ sở hữu vốn chuyển nhượng căn cứ mức độ ảnh hưởng, tác động của thương hiệu đến hình ảnh, vị thế của doanh nghiệp, hiệu quả đem lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để xác định tỷ lệ (tối thiểu 1%) trên tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước làm cơ sở xác định giá khởi điểm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Theo ông Vũ An Khang, các quy định như trên đã gây khó khăn cho tư vấn và cả doanh nghiệp trong công tác xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và xác định giá để thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần.
Phản hồi ý kiến này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đã rà soát và dự kiến trình Chính phủ đề xuất bãi bỏ nội dung này.
Tính hay không tính giá trị hình thành trong tương lai?
Một nội dung gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua là việc tính giá trị tài sản hình thành trong tương lai. Bà Phan Vân Hà cho biết, đây là vấn đề có nhiều va vấp với cơ quan kiểm toán nhà nước bởi có sự sai khác trong cách hiểu quy định pháp luật.
“Chẳng hạn, doanh nghiệp có một thửa đất chưa có quyết định giao đất, dù đã có quy hoạch 1/500 nhưng chưa có căn cứ pháp lý xác lập quyền sở hữu/sử dụng thì không đủ căn cứ để tính vào giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị Kiểm toán Nhà nước hỏi vặn là tại sao không tính?”, bà Hà nói.
Chia sẻ quan điểm về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết: “Về vấn đề này, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định là không khả thi khi tính giá trị tài sản hình thành trong tương lai do chưa có cơ sở pháp lý chắc chắn. Tuy nhiên, qua trao đổi với Kiểm toán Nhà nước cho thấy, có trường hợp là tài sản hình thành trong tương lai nhưng đã có hợp đồng, có giao dịch và có phát sinh điều kiện xác lập quyền sở hữu tài sản nên sẽ tính trong trường hợp đó”.