Năm 2019, số doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo kế hoạch của Chính phủ là 88 doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm
Trong những năm vừa qua, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn liên tục chậm trễ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, năm 2017, chỉ có 23/44 doanh nghiệp trong danh mục cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg-ĐMDN hoàn thành nhiệm vụ. Năm 2018, kế hoạch đặt ra là hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017, song thực tế chỉ có 15 doanh nghiệp hoàn tất cổ phần hóa.
Về thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, tổng số doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn trong năm 2017 và năm 2018 là 316 doanh nghiệp, song kết quả thực hiện chỉ là 31.
Đánh giá về những điểm hạn chế của quá trình cổ phần hóa thời gian qua, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 5/1/2019 của Thủ tướng nêu rõ, một số cơ chế, chính sách về công tác này được ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật trước khi quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Mặt khác, việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Những điểm hạn chế này xuất phát từ một nguyên nhân rất đáng chú ý là kỷ cương, kỷ luật trong thực thi chính sách, pháp luật chưa nghiêm. Trong đó, còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn. Đồng thời, còn tư tưởng e ngại, nhận thức chưa rõ trong vấn đề đổi mới khi cổ phần hóa, thoái vốn; tâm lý sợ mất vị trí, vai trò sau cổ phần hóa, thoái vốn; tư tưởng yên vị đã và đang kìm hãm tiến độ đổi mới.
Gỡ vướng pháp lý
Áp lực hoàn thành cổ phần hóa năm nay không chỉ đến từ những con số nêu trên mà còn ở nhiều điểm vẫn còn vướng về các quy định pháp lý và sự quyết tâm của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Do đó, Chỉ thị 01 của Thủ tướng đã nêu rõ 2 nhóm vấn đề cần giải quyết với những vướng mắc nêu trên.
Về khuôn khổ chính sách, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong quý I năm nay, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ một số văn bản sửa đổi. Đó là, rà soát, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp, xử lý tài sản công; Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về tiền sử dụng đất; Nghị định số 46/2014/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước gắn với cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cũng trong quý I năm 2019, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
“Các văn bản này đã được Bộ Tài chính xây dựng và gần hoàn tất, chúng tôi sẽ sớm trình Chính phủ để xem xét ban hành”, ông Tiến nói.
Về yếu tố con người trong việc thực thi chủ trương cổ phần hóa và thoái vốn của Chính phủ, điểm đáng chú ý tại Chỉ thị 01 là nội dung: “Xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành các quy định về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; có chế tài đủ mạnh, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tái diễn”.
Nhận xét về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, cách làm như vậy sẽ buộc phải công khai danh tính các cá nhân chậm trễ trong công tác cổ phần hóa và thoái vốn.
“Tôi tin là với những giải pháp quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, công tác cổ phần hóa và thoái vốn trong năm 2019 và những năm tiếp theo sẽ có những kết quả tích cực hơn”, ông Tiến nhấn mạnh.