Có một nguồn lực tăng trưởng khác

(BĐT) - Tăng tốc đầu tư vào các dự án hạ tầng quy mô lớn, tung ra các gói cứu trợ cả về tài khóa và tiền tệ… là những giải pháp hồi phục nền kinh tế khi đang phải gánh chịu những tác động bất lợi từ dịch Covid-19. Nhưng dường như chừng đó là chưa đủ. Có một nguồn lực tăng trưởng khác quan trọng không kém, đó chính là khơi thông, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), từ đó hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp (DN).
Vấn đề thuận lợi trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, là việc làm thường xuyên, liên tục. Ảnh: Song Lê
Vấn đề thuận lợi trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu, là việc làm thường xuyên, liên tục. Ảnh: Song Lê

Lợi ích to lớn

Nghiên cứu của nhiều tổ chức kinh tế cho thấy, MTKD được xem là “oxy” của DN. Hoạt động cải thiện MTKD một cách thường xuyên, liên tục là một trong những yếu tố kích thích nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Cải cách MTKD giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường, khuyến khích cạnh tranh, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của nền kinh tế. MTKD thuận lợi sẽ giúp thu hút được đầu tư không chỉ trong nước mà còn từ các quốc gia khác trên thế giới.

Sau hơn 30 năm đổi mới, đến nay, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao. Trong các bảng xếp hạng toàn cầu đánh giá về năng lực cạnh tranh, thứ bậc và điểm số MTKD của Việt Nam liên tục có sự tăng hạng.

Theo Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (Doing Business), đến nay, hầu hết thứ hạng và điểm số của các chỉ số xếp hạng của Việt Nam đều có sự cải thiện đáng kể. Nếu như MTKD năm 2015 của Việt Nam ở vị trí 90 trên tổng số 190 quốc gia được đánh giá, thì đến năm 2016, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 82, tiếp tục vươn lên vị trí 68 vào năm 2017… Năm 2019, MTKD của Việt Nam tuy giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70) nhưng tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm).

Việc cắt giảm rào cản cho DN nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian qua, cả nước đã rà soát, cắt giảm 3.451 điều kiện kinh doanh của hầu hết các bộ, ngành; cắt giảm 6.776 danh mục dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành..., giúp tổng chi phí xã hội tiết kiệm được hơn 6.300 tỷ đồng/năm.

Những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, sự thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục gia nhập thị trường đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp. Năm 2019, số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký đạt mức cao nhất so với nhiều năm trước. Cụ thể, cả nước có 138.139 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.730.173 tỷ đồng, tăng 5,2% về số DN và tăng 17,1% về số vốn đăng ký so với năm 2018. Tính chung trong giai đoạn 2016 - 2019, mỗi năm có thêm trên 126.000 DN thành lập mới, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.

Hơn bao giờ hết, cộng đồng start-up Việt Nam đang nhận được rất nhiều sự quan tâm từ phía Chính phủ cũng như các quỹ đầu tư. Năm 2019, chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 3 bậc với 6/7 nhóm trụ cột tăng điểm…

Với MTKD thuận lợi, Việt Nam cũng là “địa chỉ đỏ” của các nhà đầu tư quốc tế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang đóng góp không nhỏ vào thành quả của hơn 30 năm Đổi mới. Và trên con đường phía trước, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các DN FDI sẽ đồng hành cùng DN Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ, khát vọng của người Việt…

Những nỗ lực cải cách, cải thiện MTKD của Việt Nam thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng tạo nên cộng đồng DN năng động - “chìa khoá” quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm tới. Bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2019 vừa được Brand Finance công bố ghi nhận, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 247 tỷ USD (tăng 12 tỷ USD so với con số 235 tỷ USD năm 2018) và xếp thứ 42.

Tiếp nguồn lực, động lực cho tăng trưởng

Đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhưng cũng có thể khiến nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới xuất hiện. Khi đó, điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề mới cần được tiếp tục tối giản, hỗ trợ DN phục hồi kinh doanh nhanh nhất.
Trong giai đoạn hiện nay khi những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh lên các nền kinh tế toàn cầu, thì việc cải cách, cải thiện MTKD, nâng cao năng lực cạnh tranh lại càng trở nên cấp thiết. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây được xem là một nguồn lực quan trọng giúp DN và nền kinh tế phục hồi.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu MTKD và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc cắt giảm thủ tục hành chính, gỡ rào cản điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho DN ví như bổ sung thêm “oxy” để DN sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển thuận lợi. “Dường như thời gian qua, mọi người để ý nhiều hơn đến những gói hỗ trợ cho DN bằng tiền (như: lãi suất, thuế...) để họ tồn tại, duy trì hoạt động, mà ít quan tâm đến giải pháp rất quan trọng khác là cải thiện MTKD với việc tiếp tục cắt giảm rào cản, tạo thuận lợi cho DN”, bà Thảo chia sẻ.

Những cải cách này không cần phải dùng đến ngân sách nhà nước nhưng lại hỗ trợ rất lớn cho DN trong việc thực hiện các thủ tục một cách đơn giản, thuận lợi nhất, từ đó tạo điều kiện để DN tập trung thời gian, nguồn lực, trí tuệ phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cách chung tay chống dịch hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, giảm thuế cho DN là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, DN không mong giảm thuế bằng việc cắt bỏ các chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật DN (sửa đổi) nhấn mạnh yêu cầu: “Chúng ta phải tích cực cải cách, cải thiện MTKD để làm cho nền kinh tế linh hoạt hơn. Quá trình này phải là việc thường xuyên, liên tục để có thể linh hoạt ứng phó rất nhanh trước các biến động của thị trường, từ đó giảm thiểu rủi ro cho DN và nền kinh tế… Tới đây, khi nhận diện được những bất cập trong các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, các bộ, ngành cần phải chú trọng hơn nữa cải cách thực chất hoạt động này”.

Đề cập về một số vấn đề cụ thể trong MTKD, theo bà Thảo, thủ tục về thông quan hàng hóa cần phải đặc biệt chú trọng. Nếu thủ tục không thuận lợi, DN không có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như không xuất được hàng hóa kịp thời dễ gây rủi ro cho DN.

Về vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết thêm, hoạt động kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại một số “điểm nghẽn” liên quan đến tư duy trong hoạch định chính sách. Thực tế vẫn còn tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều bộ. Đây là thách thức không hề nhỏ khi thực hiện cải cách trong lĩnh vực này. Vấn đề thuận lợi trong thực hiện thủ tục thông quan hàng hóa cho DN phải được đặt lên hàng đầu, là việc làm thường xuyên, liên tục.

Với điều kiện kinh doanh, theo bà Thảo, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có thể khiến nhiều DN phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động, nhưng cũng có thể khiến nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh mới xuất hiện, DN có thể chuyển hướng đầu tư kinh doanh. Khi đó, điều kiện kinh doanh đối với những ngành, nghề mới cần được tiếp tục tối giản, hỗ trợ DN phục hồi kinh doanh nhanh nhất.

Đến thời điểm này, Việt Nam tương đối thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Nhiều DN đã có những cách làm mới, sáng tạo để vượt qua giai đoạn khó khăn. Tin tưởng rằng, nếu các cơ quan công quyền đẩy mạnh chống “virus trì trệ”, đồng hành cùng DN vượt qua khó khăn một cách hiệu quả như phòng chống dịch Covid-19, chắc chắn Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư