Cơ hội nào cho doanh nghiệp “mạng di động ảo”?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ hơn một năm nhưng đã có tới hai doanh nghiệp ra mắt mạng di động ảo tại thị trường Việt Nam với tham vọng tạo sự khác biệt và có được chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, cuộc chiến giành thị phần của các doanh nghiệp mới này trong bối cảnh thị trường viễn thông đang ở ngưỡng bão hòa quả là không dễ.
Cơ hội cho các doanh nghiệp mạng ảo rất ít khi các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel hay MobiFone hiện chiếm khoảng 95% thị phần tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên
Cơ hội cho các doanh nghiệp mạng ảo rất ít khi các nhà mạng lớn như VNPT, Viettel hay MobiFone hiện chiếm khoảng 95% thị phần tại Việt Nam. Ảnh: Lê Tiên

Xu hướng “mạng ảo”

Thực ra mạng di động ảo đã nhen nhóm hình thành tại thị trường Việt Nam từ hơn 10 năm trước. Năm 2009, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông di động cho Công ty CP Viễn thông Đông Dương Telecom.

Sau 10 năm “biệt tích”, cuối tháng 4/2019, Đông Dương Telecom mới chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường với đầu số 087 và cũng là “mạng di động ảo” đầu tiên trong “làng” viễn thông di động Việt Nam.

Sở dĩ gọi là mạng di động ảo (MVNO - Mobile Virtual Network Operator) vì những doanh nghiệp này không có băng tần, không có hạ tầng mạng mà phải đi thuê hạ tầng của các doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng như Viettel, VNPT, MobiFone… để cung cấp dịch vụ viễn thông di động ra thị trường. Các doanh nghiệp viễn thông (ảo) chỉ triển khai các hoạt động kinh doanh, bán sản phẩm, dịch vụ viễn thông với đầu số thuê bao di động được cơ quan quản lý (Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phát, còn lại toàn bộ hạ tầng mạng là đi thuê của doanh nghiệp khác (sở hữu hạ tầng).

Một số đại diện nhà mạng lớn cho rằng, mạng di động ảo ở Việt Nam mới hình thành và còn ở giai đoạn đầu, nhưng khá phát triển tại rất nhiều nước trên thế giới, nhiều nước có tới hàng chục mạng ảo. Theo quy định hiện nay, cơ quan quản lý chỉ giới hạn cấp phép cho nhà mạng có hạ tầng, còn với các nhà mạng di động không tần số cơ quan quản lý không giới hạn cấp phép, mà điều này phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của mỗi nhà mạng có hạ tầng.

Ngoài mạng di động ảo đầu tiên ITelecom của Đông Dương Telecom ra mắt tháng 4/2019 (thuê hạ tầng mạng của Tập đoàn VNPT), mới đây, ngày 3/6/2020, Công ty CP Mobicast cũng chính thức gia nhập thị trường viễn thông di động với thương hiệu Reddi, đầu số di động 055. Mạng di động ảo Reddi cũng sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Theo tìm hiểu, trong thời gian tới có thể sẽ có thêm những mạng ảo mới gia nhập thị trường. 

Cơ hội nào cho doanh nghiệp “mạng ảo”?

Khi ra mắt, lãnh đạo mạng di động ảo ITelecom cho biết sẽ cung cấp ra thị trường sản phẩm, dịch vụ dành cho công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Đồng Nai.

Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một năm ra mắt, hình ảnh của mạng ảo ITelecom vẫn khá mờ nhạt, rất ít người biết đến. Con số thị phần cũng như số thuê bao đang hoạt động của ITelecom vẫn là “bí ẩn”.

Đối với mạng Reddi, ông Trần Nam Trung, CEO của mạng di động ảo này cho biết, Reddi sẽ tận dụng các thành quả và đón đầu các xu hướng tương lai của ngành viễn thông và công nghệ như 5G, IOT, e-sim, mobile money…, định hướng tập trung phát triển và cung cấp các giải pháp viễn thông và dịch vụ số cho nhóm khách hàng trẻ, hiện đại, thông qua nền tảng ứng dụng di động (mobile app). Đồng thời xác định hệ sinh thái số là giá trị để Reddi cạnh tranh trên thị trường.

Phải chờ một thời gian nữa mới có thể khẳng định mô hình kinh doanh của mạng ảo Reddi có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, những điểm “được xem là khác biệt” của cả ITelecom và Reddi đều không mới . Các nhà mạng lớn với thương hiệu hàng chục năm trên thị trường như Viettel, VinaPhone, MobiFone đã và đang khai thác triệt để mô hình kinh doanh này.

Chưa kể, các mạng di động ảo này còn bất lợi khi chưa có kênh phân phối rộng khắp như các mạng lớn. Ngoài ra, để dịch vụ, sản phẩm đến được tay người dùng sẽ phải đầu tư chi phí lớn nhằm quảng bá, marketing và xây dựng hệ thống chăm sóc khách hàng…

Thị trường viễn thông di động với 125,7 triệu thuê bao (tính đến tháng 4/2020 theo số liệu của Cục Viễn thông) đang ở ngưỡng bão hòa, trong đó các nhà mạng lớn chiếm khoảng 95% thị phần. Việc giành thị phần đối với các nhà mạng ảo mới với nhiều yếu tố bất lợi như trên, sẽ là vô cùng khó khăn.

Chuyên đề