Cơ hội bứt phá tăng trưởng, tạo động lực cho năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cho thấy nền kinh tế phục hồi tích cực. Thời gian tới, dù nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội để nền kinh tế bứt phá mạnh mẽ hơn, với dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm nay, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Ảnh: Lê Tiên
6 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều lĩnh vực trở lại mức tăng trước dịch

Theo chỉ số phục hồi Covid-19 (Covid-19 Recovery Index) do Nikkei công bố cho tháng 5/2022, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14. Nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế, S&P Global Ratings,… đánh giá tích cực về đà phục hồi của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới chứng kiến nhiều diễn biến bất định, khó lường. S&P Global Ratings dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9%; WB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam so với dự báo đầu năm…

Kết quả tăng trưởng của Việt Nam trong 6 tháng, theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), là có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh, cơ bản tiệm cận mức tăng tại thời điểm trước dịch. Tình hình đăng ký doanh nghiệp rất tích cực. Tính chung 6 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường tăng 25,4% so với cùng kỳ, lần đầu tiên vượt mốc 100.000 doanh nghiệp; trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 76.000 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều địa phương có tốc độ phục hồi mạnh mẽ trong quý II, góp phần đạt mức tăng trưởng GRDP 6 tháng khá cao. Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tăng trưởng 6 tháng của Tỉnh đạt 10,66%, cao hơn mục tiêu 0,41%, và Tỉnh sẽ điều chỉnh kịch bản tăng trưởng các tháng cuối năm. Các địa phương khác như Hà Nội đạt 7,79%, Bắc Giang 24%, Bắc Ninh 14,7%, Thanh Hóa 13,41%, Khánh Hòa 12,58%, Hải Dương 11,82%, Hải Phòng 11,1%,Vĩnh Phúc 10,1%...

Phấn đấu bứt phá vào nửa cuối năm

Từ kết quả 6 tháng, cũng như dự báo tình hình thời gian tới, Bộ KH&ĐT kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn mức phấn đấu cao khoảng 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6 - 6,5%).

Bộ báo cáo hai kịch bản tăng trưởng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022. Kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5 - 8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP - NQ01), quý IV tăng 5,5% (thấp hơn NQ01 0,7 điểm phần trăm). Kịch bản 2, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn NQ01 1 điểm phần trăm) và quý IV tăng 6,3% (trong khoảng 6,7 - 6,7% tại NQ01).

Trước đó tại họp báo công bố số liệu kinh tế tháng 6/2022 của Tổng cục Thống kê, lý giải về cơ sở dự báo đạt và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2022 đề ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, những kết quả ấn tượng trong quý II và 6 tháng đầu năm 2022 là bước đệm tốt cho phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm. Tiếp đà phát triển trong quý II, cùng với gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động vào nền kinh tế chủ yếu trong 6 tháng cuối năm, khi đó, kinh tế quý III sẽ có tốc độ tăng trưởng cao (do nền tăng trưởng quý III năm trước rất thấp, âm hơn 6%) và quý IV không có những biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng cả năm sẽ rất tốt...

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cũng dự báo tăng trưởng cả năm khả quan, có thể đạt được 7%. Một trong những dư địa tăng trưởng cho thời gian tới là lĩnh vực công nghiệp xây dựng, nếu tháo gỡ được khó khăn cho lĩnh vực này, đặc biệt là TP. HCM, thì mức tăng trưởng trong quý 3 năm nay sẽ cao.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, giải ngân đầu tư công tập trung vào 6 tháng cuối năm sẽ tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm. Du lịch dịch vụ tăng mạnh trong các tháng hè cũng góp phần quan trọng cho tăng trưởng quý III...

Để đạt được tăng trưởng cao nhất, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022 - 2023); chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân...

Một số giải pháp cần tập trung chỉ đạo, trong đó đầu tiên là tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19 (2022 – 2023); điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, thu ngân sách nhà nước cả năm dự báo đạt tốt, tạo dư địa tài khóa để có thể chủ động hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong trường hợp cần thiết. Cùng với đó, chính sách tiền tệ cần thận trọng, chủ động thích ứng với rủi ro lạm phát, tỷ giá, điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Chuyên đề