“Chuyện thông thầu nghe quá quen”

(BĐT) - Chuyện thông thầu nghe quá quen thuộc, một số nơi, khi đấu thầu lãnh đạo không phải nói gì hết mà các chủ đầu tư tự hiểu đơn vị trúng thầu là doanh nghiệp sân sau của quan chức này, ai làm ngược lại thì rất có thể sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Thực tiễn đấu thầu đáng buồn nhưng vẫn đang xảy ra tại nhiều nơi được bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ tại Hội thảo công bố Báo cáo “Kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công – Quy định và thực tiễn tại Việt Nam” diễn ra ngày 8/11. Đây là kết quả nghiên cứu do Ngân hàng Thế giới và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện. 

Doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực về đấu thầu

Ông Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, người phụ trách công tác khảo sát lấy dữ liệu đầu vào cho thực hiện Báo cáo, cho biết, nhóm nghiên cứu đặt câu hỏi cho cả hai nhóm cán bộ công chức và doanh nghiệp xem họ có biết về trường hợp đấu thầu tại cơ quan hoặc doanh nghiệp tham gia đấu thầu? Có 32% cán bộ công chức biết có đấu thầu tại cơ quan của mình và 18% doanh nghiệp có tham gia đấu thầu trong 12 tháng qua. Những cán bộ công chức và doanh nghiệp này được đề nghị đánh giá về lần đấu thầu gần đây nhất.

Qua khảo sát, cán bộ công chức có cách nhìn tương đối tích cực về lần đấu thầu gần đây nhất với 71% cho rằng đấu thầu lần đó minh bạch, khách quan. Chỉ có một số ít cho rằng có vấn đề chạy chọt để thắng thầu (12%) và có hiện tượng ưu ái cho người thân (18%) trong lần đó. Ngược lại, doanh nghiệp có đánh giá tiêu cực hơn, với tỷ lệ 36% nhận xét là khách quan, minh bạch; 38% cho rằng có chạy chọt và 50% cho rằng có ưu ái người thân.

Theo ông Đinh Văn Minh, quy trình đấu thầu chính thức được công bố ra bên ngoài có thể không thể hiện hết tính phức tạp của quy trình thực sự. Về bề ngoài, các cuộc đấu thầu thường tuân thủ đúng quy trình, đảm bảo tính minh bạch, khách quan. Tuy nhiên, ở một số cuộc thầu, tính khách quan ở quy trình chính thống có thể bị bóp méo bởi một số thủ thuật như: Chủ đầu tư có thể đưa ra các tiêu chí phù hợp với doanh nghiệp sân sau của mình và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, mặc dù nhiều tiêu chí không giúp nâng cao chất lượng công việc; các doanh nghiệp sân sau có thể có lợi thế thông tin, tiếp cận sớm hơn để có thể chuẩn bị dự thầu; một số doanh nghiệp tham gia thầu chỉ là để đảm bảo yêu cầu “có cạnh tranh” nhưng không ảnh hưởng tới kết quả.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, tính minh bạch, công khai chỉ là hình thức bề ngoài trong nhiều trường hợp đấu thầu hiện nay tại các cơ quan nhà nước. Vấn đề xung đột lợi ích có thể ẩn bên trong, đa dạng, thậm chí từ trước khi hoạt động đấu thầu xảy ra. Nhiều ý kiến nhận xét thực tiễn trong ngành xây dựng hầu như tất cả các trường hợp này đều đã có thỏa thuận từ trên xuống nên chấm thầu chỉ mang tính hình thức. Nhà thầu sử dụng câu chuyện tình cảm (như mời đi ăn, chơi) ngay lúc đó chưa nhận được lợi ích luôn là gói thầu nhưng có thể có lợi ích về sau. Để giải quyết được gói thầu người ta có thể “nuôi” chủ đầu tư hàng bao nhiêu năm. 

Một trong hai lĩnh vực dẫn đầu về xung đột lợi ích

Thông qua khảo sát các tình huống xung đột lợi ích ở 6 lĩnh vực hoạt động phổ biến trong khu vực công, nhóm nghiên cứu chỉ ra đấu thầu là một trong hai hoạt động có nhiều xung đột lợi ích nhất với biểu hiện phổ biến nhất là tặng/nhận quà, tiền và giúp đỡ doanh nghiệp sân sau.
Theo Báo cáo, xung đột lợi ích có thể hiểu là những tình huống cụ thể phát sinh khi cán bộ công chức có thể đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành vi có lợi cho mình trong hoạt động công vụ. Các tình huống xung đột lợi ích cũng là một trong những nguồn gốc của tham nhũng.

Xung đột lợi ích có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, gồm tặng/nhận quà; đầu tư chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp: cán bộ công chức đầu tư chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý hoặc có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý, các doanh nghiệp này còn được gọi là doanh nghiệp sân sau của cán bộ công chức; tham gia các công việc có thể sử dụng lợi thế thông tin từ vị trí công tác; tham gia các hoạt động có thể quyết định (hoặc gây ảnh hưởng) có lợi cho người thân.

Thông qua khảo sát các tình huống xung đột lợi ích ở 6 lĩnh vực hoạt động phổ biến trong khu vực công gồm cung cấp dịch vụ công; bổ nhiệm và tuyển dụng; quản lý đấu thầu; cấp phép, phê duyệt dự án; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, nhóm nghiên cứu chỉ ra đấu thầu là một trong hai hoạt động có nhiều xung đột lợi ích nhất với biểu hiện phổ biến nhất là tặng/nhận quà, tiền và giúp đỡ doanh nghiệp sân sau.

Để kiểm soát xung đột lợi ích trong đấu thầu, tránh dẫn đến hành vi tham nhũng, theo nhóm nghiên cứu, là phải tăng cường thêm quy định kiểm soát loại trừ trao thầu, cấp phép dự án cho người thân và những người có liên quan khác, bao gồm cả các nhà thầu phụ của nhà thầu chính;xác định rõ nghĩa vụ của công chức liên quan đến đấu thầu phải báo cáo cho người có thẩm quyền về người thân và người có liên quan, là nhà thầu, chủ đầu tư, hoặc một liên danh của họ tham gia dự thầu; bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quá trình ra quyết định về đấu thầu, cấp phép dự án;…

Chuyên đề