Biwase kỳ vọng trong tháng 6 có thể được chấp thuận niêm yết và sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch. Ảnh: Sơn Thủy |
Trước đó, khi gửi hồ sơ đăng ký lưu ký chứng khoán về Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), Công ty CP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) đăng ký nơi giao dịch là sàn HOSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc bế tắc giao dịch.
Trình tự giao dịch trên VSD
Phản hồi với Báo Đấu thầu về bài viết trên, một nguồn tin từ VSD cho biết, đơn vị này đã thực hiện đúng trình tự và quy định về giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng (CTĐC). Theo quy định của Luật Chứng khoán và Thông tư số 05/2015/TT-BTC ngày 15/1/2015 của Bộ Tài chính, đối với chứng khoán của CTĐC, sau khi đăng ký tập trung tại VSD, việc chuyển quyền sở hữu đối với giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư được thực hiện như sau: Trường hợp công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán (SGDCK), việc chuyển quyền sở hữu được thực hiện thông qua các giao dịch mua bán trên hệ thống giao dịch của SGDCK.
Trường hợp công ty chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên các SGDCK, việc chuyển quyền sở hữu được thực hiện qua VSD theo quy định của Luật Chứng khoán và hướng dẫn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Quyết định số 56/QĐ-UBCKN. Việc quyết định niêm yết, giao dịch chứng khoán ở đâu là thuộc trách nhiệm của tổ chức phát hành thực hiện căn cứ theo quyết định của ĐHĐCĐ và quy định pháp luật có liên quan. Khi đăng ký chứng khoán với VSD, CTĐC sẽ thông báo cho VSD để VSD có căn cứ theo dõi và thực hiện chuyển quyền sở hữu cho nhà đầu tư theo đúng quy định nêu trên.
Đối với trường hợp của Biwase, trong hồ sơ đăng ký chứng khoán với VSD, Công ty đã thông báo cho VSD là niêm yết cổ phiếu trên HOSE. Vì vậy, theo quy định nêu trên, việc chuyển quyền sở hữu cổ phiếu Biwase được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch của HOSE. Hiện nay, nhà đầu tư chưa thể giao dịch được qua hệ thống này do Biwase chưa hoàn tất thủ tục niêm yết với HOSE.
Việc VSD công bố thông tin Biwase giao dịch trên sàn HOSE là căn cứ vào hồ sơ đăng ký của Biwase. Thông tin này nhằm giúp Thành viên lưu ký của VSD và các nhà đầu tư trên thị trường biết được nguyên tắc xử lý chuyển quyền sở hữu của VSD đối với các giao dịch cổ phiếu BWE của nhà đầu tư.
Như vậy, vấn đề chính nằm ở việc khi đã đăng ký lên HOSE thì Biwase phải tích cực hoàn thiện hồ sơ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch cổ phiếu. Nếu Biwase cứ kéo dài thời gian hoàn tất hồ sơ thì cổ phiếu của nhà đầu tư sẽ bị “giam lại” chưa biết đến bao giờ.
Hồ sơ niêm yết của Biwase đang ở đâu?
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, danh sách CTĐC đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE tính đến ngày 9/6/2017 không có tên Biwase.
Trao đổi với phóng viên, bà Dương Anh Thư, Trưởng Ban kiểm soát kiêm người công bố thông tin của Biwase cho biết, hồ sơ được nộp rải rác tại nhiều thời điểm, đến chiều ngày 9/6, đơn vị này vẫn nộp thêm hồ sơ lên HOSE. Bà Thư kỳ vọng trong tháng 6 có thể được chấp thuận niêm yết và sớm đưa cổ phiếu lên giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế điều này còn phụ thuộc vào việc Biwase có đáp ứng kịp thời yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ của HOSE hay không. Được biết, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương (VCBS) là đơn vị tư vấn cho Biwase. Việc nộp hồ sơ rải rác cho thấy sự không chuyên nghiệp của đơn vị tư vấn và tổ chức phát hành.
Nhìn lại quá trình đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và nộp hồ sơ niêm yết của Biwase có thể thấy, doanh nghiệp này khá bàng quan với quyền lợi của nhà đầu tư. Phiên IPO của Biwase diễn ra ngày 10/8/2016 tại HOSE. Đến ngày 22/9/2016, ĐHĐCĐ Công ty thông qua kế hoạch đăng ký giao dịch UPCoM và kế hoạch niêm yết trên HOSE. Theo quy định thì cổ phiếu BWE phải được thực hiện giao dịch trên sàn UPCoM chậm nhất là ngày 1/1/2017.
Như vậy, tính đến thời điểm này đã 8 tháng trôi qua, nhà đầu tư vẫn chưa giao dịch được cổ phiếu, và chưa biết đến khi nào mới được giao dịch. Điều này đi ngược với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia mua cổ phần tại các phiên đấu giá cổ phần DNNN. Sức hấp dẫn của các phiên đấu giá cổ phần DNNN cũng mất đi phần nào xuất phát từ những câu chuyện không tạo điều kiện cho nhà đầu tư giao dịch như tại Biwase.
“Sau 8 tháng vẫn không thể giao dịch cổ phiếu là điều không thể chấp nhận được với một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, quy mô vốn lên tới 1.500 tỷ đồng nhưng lại không vì quyền lợi tối thiểu của nhà đầu tư là quyền được mua bán cổ phiếu” - một nhà đầu tư chia sẻ với Báo Đấu thầu.