VSD gây khó cho nhà đầu tư Biwase?

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa nhận được phản ánh của các nhà đầu tư về việc khó thực hiện chuyển nhượng cổ phần của Công ty CP Nước và Môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) sau gần 10 tháng kể từ ngày Biwase IPO. 
Việc chậm trễ trong việc lưu ký chứng khoán và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của Biwase đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Ảnh: Nguyễn Sơn Thủy
Việc chậm trễ trong việc lưu ký chứng khoán và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của Biwase đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Ảnh: Nguyễn Sơn Thủy

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, các nhà đầu tư này gặp khó chỉ từ dòng chữ “sàn giao dịch: HOSE” trong thông tin về Biwase trên website của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

Thương vụ IPO khủng

Phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Biwase diễn ra ngày 10/8/2016 tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Số lượng cổ phần được đem ra bán đấu giá là hơn 17,5 triệu đơn vị, chiếm tới 11,76% vốn điều lệ của Biwase với giá khởi điểm là 10.200 đồng/CP. Buổi đấu giá diễn ra thành công với 283 nhà đầu tư đăng ký tham gia, tổng khối lượng đăng ký mua lên tới 61,5 triệu đơn vị, gấp 3,5 lần số lượng CP chào bán. 41 nhà đầu tư đã trúng giá với mức giá trúng bình quân 14.277 đồng/CP. Số tiền thu về đạt 252 tỷ đồng.

Biwase có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và có kết quả sản xuất kinh doanh rất ấn tượng do không chịu áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cùng ngành. Đồng thời Biwase cũng là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nước và xử lý nước thải, không chỉ tại khu vực Bình Dương mà còn trên phạm vi cả nước. Kết thúc năm 2016, Biwase đạt doanh thu 1.370 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Lợi nhuận sau thuế tăng từ 170 tỷ đồng lên 240 tỷ đồng (tăng 41%), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 19%.

Có thể thấy thương vụ IPO của Biwase thu hút được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư với kỳ vọng sự thay đổi trong cơ cấu quản lý của Biwase sẽ còn giúp Công ty vươn xa trong tương lai. 

Vướng trong chuyển nhượng cổ phần

Qua tìm hiểu của Báo Đấu thầu, một số công ty chứng khoán không tiếp nhận hồ sơ giao dịch cổ phiếu của Biwase do trong hồ sơ đăng ký lưu ký công bố công khai trên VSD nêu cổ phiếu giao dịch trên sàn HOSE. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện VSD cho biết, trong hồ sơ, Biwase đăng ký niêm yết trên HOSE nên VSD sẽ ghi nhận cổ phiếu BWE giao dịch trên HOSE. Còn việc có được niêm yết hay không là do Biwase hoàn tất thủ tục với HOSE. Nên trong thời gian này công ty chứng khoán vẫn nhận hồ sơ lưu ký chứng khoán BWE như bình thường, nhưng phải tạm dừng chuyển nhượng để đợi hoàn tất thủ tục niêm yết.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 14 Quyết định số 51/2014/QĐ-CP, doanh nghiệp cổ phần hóa, kể cả doanh nghiệp đủ điều kiện niêm yết quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 14 Quyết định số 51/2014/QĐ-CP phải thực hiện việc đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM. Mặt khác, theo Điều 14, Mục 3 của quyết định này, sau khi IPO thành công trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng, đăng ký cổ phiếu để lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, ngày 30/9/2016, Biwase đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 12, số 3700145694. Như vậy, nếu thực hiện theo quy định trên thì cổ phiếu BWE phải được thực hiện giao dịch trên sàn UPCoM chậm nhất là ngày 1/1/2017.

ĐHĐCĐ của Biwase ngày 22/9/2016 đã thông qua kế hoạch đăng ký giao dịch UPCoM và kế hoạch niêm yết trên HOSE với 99,96% số phiếu biểu quyết tán thành. Tuy nhiên, theo thông tin website của VSD thì ngày 25/5/2017 Biwase mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán.

Việc chậm trễ trong việc lưu ký chứng khoán và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM của Biwase đã gây ra rất nhiều hệ lụy như giảm tính thanh khoản của cổ phiếu do không thu hút được nhiều nhà đầu tư, dễ gây ra tranh chấp liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần do không có bên thứ 3 giám sát. Đặc biệt là làm giảm sức hấp dẫn của các đợt IPO sắp tới, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.

Như vậy, VSD chưa xác thực Biwase đã được HOSE đồng ý cho phép niêm yết thẳng hay chưa, nhưng vẫn ghi nhận cổ phiếu của Biwase sẽ được niêm yết trên HOSE. Điều này gây khó dễ cho các nhà đầu tư trong việc thực hiện giao dịch cổ phiếu BWE. Bên cạnh đó, việc chưa lên HOSE, đồng thời không đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM của Biwase đã vi phạm các quy định, gây khó cho các nhà đầu tư.

Chuyên đề