Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém: Cẩn trọng để tránh tác động bất lợi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quá trình chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đang được triển khai tích cực. Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Cường, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, hiện hành lang pháp lý cho chuyển giao bắt buộc đã được xây dựng, song cần cân nhắc cách thức thực hiện để tránh các tác động bất lợi với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.
Việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có thể gây áp lực lên ngân hàng tiếp nhận trong bối cảnh hệ thống tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro và kinh tế tăng trưởng chậm. Ảnh: Song Lê
Việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém có thể gây áp lực lên ngân hàng tiếp nhận trong bối cảnh hệ thống tổ chức tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro và kinh tế tăng trưởng chậm. Ảnh: Song Lê

Ông nhận xét như thế nào quá trình chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam hiện nay?

Tại Mỹ, sự sụp đổ của Lehman Brothers và Bear Stearns đầu năm 2008 đã làm rung động toàn bộ hệ thống tài chính và sự hoảng loạn đã khơi mào cuộc đại suy thoái thứ hai sau năm 1930. Trước nguy cơ sụp đổ hệ thống, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật ổn định kinh tế khẩn cấp và phê duyệt Chương trình Cứu trợ tài sản khó khăn (TARP) do Bộ Tài chính đảm nhiệm với tổng kinh phí 700 tỷ USD để mua lại tài sản rủi ro và cổ phần của các ngân hàng. Mặt khác, Chính phủ Mỹ cung cấp các khoản vay khẩn cấp và bảo lãnh cho các ngân hàng thông qua Cục Dự trữ liên bang (Fed), Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang. Chính phủ Mỹ cũng thúc đẩy các ngân hàng và tổ chức tài chính tham gia sáp nhập và mua lại các tổ chức tín dụng đang bị khủng hoảng, như trường hợp JP Morgan Chase đã mua lại Bear Stearns.

TS. Nguyễn Minh Cường

TS. Nguyễn Minh Cường

Với Việt Nam, việc có đến 3 ngân hàng bị mua lại 0 đồng và 2 ngân hàng ở tình trạng kiểm soát đặc biệt cho thấy chất lượng hệ thống ngân hàng cũng như việc kiểm soát và quản lý ngân hàng cần được cải thiện. Về chuyển giao bắt buộc, hiện hành lang pháp lý đã được xây dựng, song cần cân nhắc cách thức thực hiện vì các tổ chức tài chính ngân hàng và phi ngân hàng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt, hoạt động kinh doanh là tín dụng và tiền tệ nên có những liên quan và ràng buộc với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Do vậy, các vấn đề pháp lý sẽ liên quan không chỉ với luật và quy định về tổ chức tín dụng, mà còn cả với doanh nghiệp.

Hiện tại, sức khỏe của hệ thống ngân hàng Việt Nam tương đối ổn định. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hết sức linh hoạt và hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá trong năm 2023 và đã hỗ trợ kiềm chế được lạm phát, ổn định tỷ giá, trong khi vẫn hỗ trợ được tăng trưởng.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa được công bố đầy đủ bởi vẫn còn áp dụng quy định về cơ cấu thời hạn trả nợ và chưa chuyển nhóm nợ. Nhưng nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) đã gia tăng. Bên cạnh đó, các nhà băng còn phải chịu các gánh nặng từ gói hỗ trợ lãi suất 2% và các chương trình hỗ trợ lãi suất khác. Có khả năng Mỹ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao thêm một thời gian, gây áp lực với tỷ giá và lạm phát của Việt Nam. Bên cạnh đó, “quả bom” nợ trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết, mà chỉ trì hoãn. Vì vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ có rủi ro khi các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để trả nợ đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp và chuyển “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp thành nợ xấu ngân hàng.

Kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6 - 6,5%, cao hơn năm 2023, nhưng thấp hơn mức trung bình giai đoạn 2015 - 2019 (GDP tăng 6,76%/năm). Do vậy, nhu cầu tín dụng cho sản xuất cũng sẽ khó đạt được mức độ tăng trưởng cao. Vì vậy, trong thời điểm này, cho dù hệ thống ngân hàng vẫn ổn định, nhưng với các rủi ro nêu trên và trong bối cảnh tăng trưởng sẽ phục hồi chậm, cần cân nhắc thời điểm và mức độ thực hiện kế hoạch chuyển giao ngân hàng để tránh các tác động bất lợi với hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Theo ông, ngoài vấn đề thời điểm, quá trình chuyển giao ngân hàng bắt buộc có cần sự hỗ trợ của Chính phủ không?

Sự hỗ trợ của Chính phủ rất quan trọng vì tính phức tạp của việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Một mặt phải xử lý để bảo đảm sự an toàn của hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Song nếu xử lý không khéo thì sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống, quyền lợi của cổ đông và người gửi tiền. Cũng không thể để ngân hàng tiếp nhận phải chịu hết các gánh nặng. Cho dù sẽ có một số lợi ích về mở rộng thị phần, cổ đông, có quyền bán, chuyển nhượng, kể cả khả năng chuyển nhượng cho nước ngoài, hay hạn mức tín dụng tăng lên. Nhưng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng trung bình 5 năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 (2015 - 2019), thì những lợi ích nói trên cũng sẽ chưa thật sự được thể hiện rõ ràng. Ngân hàng còn chưa thể giải ngân hết room tín dụng được phân bổ, chưa nói đến việc được “thưởng” thêm room tín dụng mới trong điều kiện nền kinh tế chưa thật sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, trách nhiệm của bên tiếp nhận sẽ chắc chắn nhiều hơn.

Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém cần dựa trên nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa các bên gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao, trên cơ sở tính toán đến các hệ lụy đối với hệ thống tổ chức tín dụng, nền kinh tế, quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư. Ngoài các chính sách và môi trường pháp lý, sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức cần thiết, đặc biệt trong những trường hợp ngân hàng bị chuyển giao có quy mô lớn.

Nếu Nhà nước hỗ trợ quá trình này thì nên thực hiện như thế nào, thưa ông?

Hình thức Nhà nước hỗ trợ có thể được thực hiện theo nhiều cách. Chính phủ có thể cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các ngân hàng yếu kém cũng như ngân hàng tiếp nhận thông qua NHNN. Ngoài ra, qua Bộ Tài chính, Chính phủ có thể thành lập các chương trình tương tự với Chương trình Cứu trợ tài sản khó khăn (TARP) để mua lại tài sản rủi ro và cổ phần của các ngân hàng.

Sự hỗ trợ của Nhà nước có điểm nào cần lưu ý, thưa ông?

Điểm cần lưu ý là có thể dẫn đến rủi ro đạo đức về việc nới lỏng giám sát tín dụng với niềm tin là trước sau thì Chính phủ sẽ phải cứu. Tuy nhiên, hầu như chưa nước nào giải quyết được vấn đề này một cách hoàn toàn thuyết phục. Dù vậy, các bên đều có nhận thức chung là không thể trông đợi vào “bàn tay vô hình” của thị trường để thiết lập lại kỷ cương tài chính, vì cái giá phải trả là sẽ rất đắt. Bài học của khủng hoảng tài chính - kinh tế châu Á 1997 - 1998 là điển hình, khi hậu quả là hết sức thảm khốc, dẫn đến hầu hết chính phủ của các nước Đông Nam Á bị thay thế hoặc lật đổ. Nhưng sự hỗ trợ của nhà nước lâu dài, không đúng thời điểm cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực cho quản lý và kinh doanh vì trước sau thì nhà nước cũng phải hỗ trợ, vì nếu không, hậu quả kinh tế - xã hội, và chính trị sẽ nghiêm trọng.

Kể từ năm 2008, sự can thiệp và hỗ trợ của nhà nước trong suy thoái, đặc biệt là với hệ thống tài chính ngân hàng có tăng lên so với các giai đoạn trước, nhưng không phải là hỗ trợ hoàn toàn mà không có giá của nó. Các chương trình hỗ trợ vẫn kèm theo các biện pháp “trảm” cần thiết. Ví dụ, bên cạnh các ưu đãi, việc tái cấu trúc lại tổ chức tín dụng yếu kém là bắt buộc bằng cách phân bổ các khoản nợ cho các cổ đông và chủ nợ, và thậm chí có thể sáp nhập hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc giải quyết các ngân hàng yếu kém phải đặt trong bối cảnh chung của hệ thống tài chính và sức tăng trưởng của nền kinh tế. Việc cần làm thời điểm này là củng cố hệ thống. Trong khi đó, việc chuyển giao bắt buộc cần tính đến áp lực với các ngân hàng nhận chuyển giao. Đây vốn là những ngân hàng mạnh, có thể góp phần củng cố hệ thống nhưng lại phải gánh vác trọng trách này đồng thời ứng phó với các rủi ro của nền kinh tế.

Chuyên đề