Cách nào đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ năm 2015 đến nay, đã có 5 ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong đó, 4 ngân hàng đã có chủ trương chuyển giao bắt buộc nhưng việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống. Trước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, có ý kiến cho rằng nên tính đến giải pháp thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Việc tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém mất rất nhiều thời gian. Ảnh minh họa: Huyền Anh
Việc tìm kiếm, đàm phán với ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém mất rất nhiều thời gian. Ảnh minh họa: Huyền Anh

Tại Báo cáo gửi Quốc hội về lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ cho biết, trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai giải pháp xử lý các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Đến nay, Chính phủ đã có chủ trương chuyển giao bắt buộc của 4 ngân hàng. NHNN đã quyết liệt chỉ đạo các ngân hàng mua bắt buộc triển khai thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật. Đến nay, các tổ chức tư vấn định giá đã phát hành chứng thư thẩm định giá và NHNN đã gửi Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán kết quả.

Tuy nhiên, theo NHNN, quá trình này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại (NHTM) đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém) bị kéo dài do phụ thuộc vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan cũng bị kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.

Một điểm đáng chú ý tại báo cáo của Chính phủ là đến cuối tháng 5/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,65% (cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD là 5,46% so với tổng dư nợ (tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022).

Về việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Kiểm toán Nhà nước nhận định, phương án xử lý các TCTD yếu kém còn chậm, kéo dài qua nhiều năm. Việc kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến rủi ro nguồn lực hỗ trợ thông qua các hình thức cho vay đặc biệt tăng. Đến tháng 8/2023, việc xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc mới ở bước được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc, đang ở giai đoạn xác định giá trị doanh nghiệp. Đến nay mới có 1 ngân hàng được Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc (DongABank). Tình hình tài chính của các ngân hàng vẫn rất khó khăn, cụ thể: nợ xấu và tài sản tồn đọng cao, âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế tiếp tục có xu hướng gia tăng, không đáp ứng quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; một số NHTM tiềm ẩn rủi ro cao, gây mất an toàn hệ thống.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ chuyển giao bắt buộc đối với 3 ngân hàng mua bắt buộc và DongABank.

Đối với các NHTM tiềm ẩn rủi ro mất an toàn, KTNN kiến nghị, trên cơ sở kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra giám sát, Thanh tra Chính phủ và báo cáo giám sát vi mô, cơ quan thanh tra giám sát xác định rõ thực trạng tài chính, giám sát chặt chẽ, bám sát hoạt động của ngân hàng để kịp thời báo cáo Thống đốc NHNN đề ra các biện pháp can thiệp phù hợp với các quy định của pháp luật, theo nguyên tắc không để thất thoát, mất tài sản của Nhà nước và nhân dân, không để mất an toàn, bảo đảm ổn định hệ thống ngân hàng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay. Một ngân hàng sức khỏe tốt sẽ không muốn sáp nhập một ngân hàng yếu kém vì sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động, chẳng hạn, kết quả kinh doanh có thể kém tích cực hơn trước bởi phải “ôm” cục nợ, nhân sự sẽ có sự xáo trộn, văn hóa doanh nghiệp cũng có thể bị ảnh hưởng.

Theo ông Huân, cách giải quyết hiệu quả hơn có thể là bán cho nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài có nguồn lực để tăng vốn cho ngân hàng, tái cơ cấu nhiều mặt, trong đó xử lý nợ xấu một cách triệt để thay vì khoanh nợ như hiện nay. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, cần phải có quy định đặc cách về tỷ lệ sở hữu, nâng tỷ lệ đầu tư tối đa đối với nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng Việt Nam từ mức 30% lên 49% và đưa ra giá bán hợp lý.

“Với tỷ lệ sở hữu chi phối, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào việc tái cơ cấu và hoạch định các chiến lược phát triển ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực ngân hàng với định hướng mở dần tỷ lệ sở hữu cho các đối tác ngoại”, ông Huân nói.

Chuyên đề