Chuyển cơ quan điều tra nhiều trường hợp trốn thuế bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Thời gian gần đây, thông qua việc rà soát hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phát hiện nhiều hồ sơ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) khai không đúng với giá trị thực tế giao dịch. Cơ quan thuế đã yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế lại, đồng thời chuyển hàng trăm hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Đây cũng là một tín hiệu tích cực bởi lẽ trông đợi người nộp thuế kê khai trung thực thì rất khó.
Chế tài mạnh sẽ hạn chế việc trốn thuế chuyển nhượng BĐS. Ảnh minh họa: CN
Chế tài mạnh sẽ hạn chế việc trốn thuế chuyển nhượng BĐS. Ảnh minh họa: CN

1 phòng công chứng, 126 trường hợp có dấu hiệu trốn thuế

Trước thực tế có hàng trăm ngàn giao dịch mỗi năm vẫn tìm cách lách luật để trốn thuế, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về chống thất thu thuế hoạt động chuyển nhượng BĐS, Cục thuế các địa phương tăng cường phối hợp với các ngành chức năng liên quan trên địa bàn, trong đó phối hợp với các phòng công chứng rà soát hồ sơ khai thuế của người nộp thuế. Thông qua việc rà soát hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế phát hiện nhiều hồ sơ chuyển nhượng BĐS khai không đúng với giá trị thực tế giao dịch.

Điển hình, Cục thuế Cần Thơ cho hay đã chỉ đạo Chi cục Thuế quận Ninh Kiều xác minh thông tin về hành vi trốn thuế trong các hợp đồng giao dịch kinh doanh BĐS tại phòng công chứng Đỗ Thu Hà. Bước đầu phát hiện có 126 trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, trong đó có 68 trường hợp chi cục đã giải quyết cho kê khai lại, nộp thuế lại với số tiền gần 7,5 tỉ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thu được 5,9 tỉ đồng, lệ phí trước bạ 1,4 tỉ đồng. Đến nay đã chuyển 15 hồ sơ sang cơ quan công an, với tổng số tiền giao dịch BĐS thực tế là 129 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền kê khai thuế của 15 hồ sơ này chỉ 15,3 tỉ đồng.

Lãnh đạo Cục Thuế Cần Thơ cho biết, hành vi trốn thuế của nhiều cá nhân trong kinh doanh BĐS tập trung chủ yếu vào việc ghi giá trị trên hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá trị giao dịch thực tế. Sau đó người giao dịch ký thêm phụ lục hợp đồng với giá trị thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Sau khi phát hiện các hành vi trốn thuế trên, Cục Thuế Cần Thơ đã có công văn đề nghị 4 phòng công chứng còn lại trên địa bàn cung cấp hồ sơ. Cơ quan thuế tiếp tục phát hiện hàng trăm hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế và đang tiếp tục rà soát.

Nhiều tín hiệu tích cực

Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã có công văn số 438/BTC-VP gửi tới Bộ Công an, Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với Cục thuế điều tra xử lý nghiêm hành vi kinh doanh, chuyển nhượng BĐS có dấu hiệu trốn thuế, qua đó truy thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở tư pháp phối hợp với cục thuế địa phương yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn người dân, chủ đầu tư dự án BĐS, doanh nghiệp kinh doanh, chuyển nhượng BĐS kê khai trên hợp đồng công chứng theo giá thực tế mua bán, làm căn cứ tính thuế theo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách.

Các chuyên gia cho rằng, để quản chặt việc trốn tránh nghĩa vụ thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, cái gốc của vấn đề là giá BĐS. Nếu muốn không còn chế độ 2 giá, không muốn việc thị trường BĐS bị thổi giá, làm giá… thì cần quản chặt giá BĐS.

Chia sẻ vấn đề này, chuyên gia cao cấp về thuế Đinh Trọng Thịnh cho biết, mua bán BĐS phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng, về mặt lâu dài muốn mua tài sản có giá trị lớn phải chứng minh thu nhập hợp pháp, đảm bảo tính minh bạch của thị trường. Ông Thịnh nói, việc mua bán phải được ghi chép đầy đủ, áp dụng công nghệ số, thành lập kho dữ liệu như mua bán từng mảnh đất, ngày, tháng rõ ràng thì việc tính thuế được chính xác và giá bán chính xác.

Một vấn đề nữa theo các chuyên gia thuế đó là dựa vào tổ dân phố, trong đó có các tổ chức quần chúng. Người dân tại khu vực hay tổ dân phố nơi có phát sinh việc mua bán nhà đất hiểu rất rõ, nắm chắc giá cả BĐS nơi họ sinh sống. Cơ quan thuế dựa vào đó buộc người mua bán kê khai đúng giá mua bán trên thị trường.

Chuyên gia về thuế - TS Nguyễn Ngọc Tú, theo quy định điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, cá nhân có các hành vi (9 hành vi theo quy định khoản 1) nhằm trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc từng bị kết án về tội này... thì bị phạt tiền 100 - 500 triệu đồng hoặc bị kết án từ 3 tháng đến 1 năm tù.

Liên quan việc xử lý trốn thuế bất động sản, theo chuyên gia về thuế - TS Nguyễn Ngọc Tú: Trong 10 năm gần đây, chỉ có xử phạt theo hành chính, rất ít khi xử lý hình sự, chỉ có một số vụ điển hình. Đây là vấn đề khó chứ không hề dễ dàng. Luật có quy định một kiểu nhưng thực tế hầu như không xử lý. Việc chuyển hàng trăm hồ sơ sang công an về trốn thuế cho thấy dấu hiệu tích cực để ngăn hành vi trốn thuế chuyển nhượng BĐS.

Chuyên đề