Chuyện cây nêu đi ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cây nêu ngày Tết là một trong những hình ảnh thể hiện đậm nét văn hóa truyền thống, ước mong bình dị và tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chứa đựng trong bản thể nhiều ý nghĩa nhân văn, cây nêu từng được tôn vinh trên bục cao nhất tại một triển lãm quốc tế.
Chuyện cây nêu đi ra thế giới

Tôn vinh tinh hoa văn hóa truyền thống

“Truyền thống văn hóa Việt Nam có thể dễ dàng nhìn nhận ở sự tinh hoa của muôn hình sắc các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, truyền thống văn hóa. Những sản phẩm tưởng chừng rất bình dị nhưng hàm chứa và khái quát được toàn cảnh bức tranh hiện thực đời sống sinh hoạt thường ngày, quan điểm tập tục tín ngưỡng của nhiều tộc người từ vùng núi, đồng bằng đến miền sông nước… Nó cứ âm thầm tiếp nối nảy nở”.

Nhận định trên của họa sĩ - nhà thiết kế mỹ thuật Lê Huy Văn như một niềm tin chắc chắn về những điểm đặc hữu tinh hoa của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam sẽ không bao giờ bị mai một và mất đi, có chăng truyền thống văn hóa sẽ như mạch ngầm âm thầm, lặng lẽ, có lúc sẽ bừng cháy rực rỡ. “Ngọn lửa” mà ông ví von chính là câu chuyện của hơn 40 năm trước về một cây tre nhỏ bé từ làng quê Việt Nam được vinh danh trên bục cao nhất tại Triển lãm Nghệ thuật thủ công các nước XHCN lần 2 (năm 1978, tại TP. Erfurt, Cộng hòa dân chủ Đức). Hình ảnh cây tre đó cũng giúp ông vẽ lại dáng hình người cha đáng kính của mình, họa sĩ tài danh Lê Quốc Lộc.

Lê Quốc Lộc là một trong những họa sĩ tiêu biểu đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tài năng đặc biệt và những thành quả phục vụ nhân dân trong suốt cuộc đời sáng tác nghệ thuật của ông đã được Nhà nước ghi nhận bằng rất nhiều giải thưởng, huân chương cao quý. Bằng tâm hồn sâu sắc, nhạy cảm, tinh tường với cái đẹp, bằng trí óc sáng tạo không ngừng nghỉ, họa sĩ Lê Quốc Lộc đã góp phần quan trọng trong công tác quảng bá và tôn vinh nền văn hóa truyền thống Việt Nam. Từ một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài bằng kỹ thuật truyền thống, lấy cảm hứng trong các chất liệu dân gian, họa sĩ Lê Quốc Lộc đã tìm tòi, thể hiện hàng trăm tác phẩm đa dạng, sinh động với bố cục hài hòa, độc đáo.

Tại Triển lãm Nghệ thuật thủ công nêu trên, tác phẩm “Chùm Nhạc” lấy cảm hứng từ hình tượng cây nêu Việt Nam, thiết kế từ chất liệu chính là cây tre Việt Nam, do họa sĩ Lê Quốc Lộc đưa tới tham gia đã vinh dự được nhận giải nhất.

Triển lãm Nghệ thuật thủ công các nước XHCN được tổ chức 4 năm một lần, nhằm tập hợp, trưng bày và quảng bá, tôn vinh tinh hoa văn hóa dân tộc truyền thống đặc sắc đến từ các nền văn hóa của những nước XHCN. Đây cũng là diễn đàn để các nghệ sĩ thảo luận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về thiết kế và chế tác… Với Việt Nam, đây là một sự kiện đặc biệt quan trọng đánh dấu sự trở lại của nhiều ngành nghề truyền thống. Bởi sau bao nhiêu năm chiến tranh, hầu hết các bộ môn nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thủ công truyền thống bị mờ nhạt, bị bào mòn, thiếu đi sự vun đắp, hỗ trợ để phát triển, thậm chí có nguy cơ bị mai một, lãng quên…

Chất liệu gắn với tên làng, tên xóm

Theo họa sĩ Lê Huy Văn, nền thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam rất phong phú, đặc sắc và không thể bị trộn lẫn với bất kỳ nền mỹ nghệ cổ truyền nào khác. Một trong những chất liệu quen thuộc tạo nên thế mạnh của nền thủ công mỹ nghệ Việt Nam chính là cây tre, loài thực vật đã hàng nghìn năm gắn bó với xóm làng, với từng căn nhà trong phố. Tre qua bàn tay tần tảo và tài hoa của bao lớp nghệ nhân từ khắp các làng nghề Nam - Bắc, được tạo tác thành những sản phẩm muôn hình muôn vẻ, bình dị mà vô cùng độc đáo.

Họa sĩ Lê Huy Văn hồi tưởng, khi Triển lãm Nghệ thuật thủ công các nước XHCN lần thứ 2 chuẩn bị được tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, Bộ Văn hóa và Hội Mỹ thuật Việt Nam đã phát động mạnh mẽ phong trào sáng tác tác phẩm thủ công, mỹ nghệ ở hầu hết các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ… Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều họa sĩ, nghệ nhân thuộc các vùng miền đã nhiệt tình tham gia thiết kế, gửi mẫu sản phẩm tham dự Triển lãm. Sau thẩm định và lựa chọn từ hàng trăm tác phẩm, hội đồng nghệ thuật đã lựa chọn được một số tác phẩm tiêu biểu, trong đó có tác phẩm “Chùm Nhạc” của họa sĩ Lê Quốc Lộc để gửi tới Triển lãm.

Kết quả thành công ngoài mong đợi, tác phẩm “Chùm Nhạc” của họa sĩ Lê Quốc Lộc và một số tác phẩm của các nghệ nhân, họa sĩ Việt Nam khác được sắp đặt tại Triển lãm đã thực sự làm bừng sáng không gian trưng bày, tác động mạnh mẽ đến cảm nhận của bạn bè quốc tế về một Việt Nam muôn sắc màu trong gian khó, khích lệ tinh thần sáng tác của các họa sĩ, nghệ nhân Việt Nam.

Tác phẩm “Chùm Nhạc” là sự kết hợp khéo léo và tài tình của ba chất liệu đậm tính dân gian Việt Nam: tre, lụa và đất nung. Tác phẩm đã thể hiện và khái quát ở mức cao góc độ đời sống thường ngày và tâm linh của một số cộng đồng dân tộc Việt, bởi cây nêu là vật trang trí hay được dựng lên vào dịp Tết cổ truyền, mang hình tượng của vũ trụ, sự liên kết giữa đất - trời, thể hiện ước mong và tâm nguyện của con người. Đó là khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong một năm mới thuận hòa, cầu cho quốc thái dân an, đất nước thịnh vượng. Ngoài ra, qua hình tượng cây nêu, cha ông ta cũng thể hiện ý chí kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chống lại cái ác, cái xấu xa, khẳng định vị trí sinh tồn, khẳng định chủ quyền…

Tuân thủ tối đa bản thể ý nghĩa hình tượng của cây nêu, trong tác phẩm “Chùm Nhạc”, họa sĩ Lê Quốc Lộc cũng gắn kết nhiều sáng tạo riêng độc đáo như sự phối hợp về hình khối một cách khoa học, nhưng vẫn đảm bảo được tính mềm mại, thanh thoát; bố trí hợp lý các vật liệu để truyền tải thông điệp mà họa sĩ muốn gửi gắm. Theo đó, trụ chính của tác phẩm cũng chính là việc đặc tả thân cây nêu được nép gối bằng 3 đoạn tre, điều này cũng để tạo thuận lợi cho việc tháo lắp, vận chuyển. Đoạn tầng đầu tiên ở trên cùng của tác phẩm có một vòng tròn nhỏ được tạo từ một nẹp tre vót mảnh ghép nối với thân chính, trên vòng tròn đó treo hình âm dương và buộc một dải lụa dài mầu vàng. Dải lụa có nhiệm vụ không chỉ trang trí mà còn tạo lực cản giúp vòng tròn nhỏ có thể chuyển động khi gặp gió.

Dưới vòng tròn nhỏ, tầng thứ hai của “Chùm Nhạc” được bố trí ba vòng tròn to, nhỏ khác nhau cũng gắn chặt vào thân chính, ở mỗi vòng tròn lại được điểm xuyết một cách khéo léo các chú cá bằng đất nung với dây treo là sợi thừng nhỏ. Những chú cá khi gặp gió cũng sẽ va đập với nhau tạo nên một bản hòa ca rất đặc sắc, lạ lùng nhưng không đơn độc, trầm mặc mà lảnh lót. Tầng cuối cùng của tác phẩm được kết cấu bằng 3 trụ tre tạo thành hình tam giác nhằm giữ cho cả tổng thể bên trên vững chắc.

Vuông lụa mềm mại thả mình trong không gian của vùng lụa Hà Đông, cá đất nung đến từ làng gốm Hương Canh và điểm đặc biệt xuyên suốt trong tổng thể tác phẩm là cây tre. Đây là loài thực vật bao bọc, che chở sự bình yên của làng quê Việt, là hình tượng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam kiên cường, bất khuất và đoàn kết trong trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tre Việt Nam hiền hòa hóa thân thành các vật dụng sinh hoạt thường ngày, trầm mặc linh thiêng trong những sự kiện tâm linh của dân tộc.

Tác phẩm được Ban giám khảo đánh giá đã hội tụ tốt nhất các yếu tố cần và đủ của một tác phẩm truyền thông thị giác, qua đó giúp người xem cảm nhận được tinh hoa của đất nước, phong tục tập quán, ý chí, cốt cách của con người Việt Nam.

Ngày nay, nếp dựng cây nêu ngày Tết cổ truyền đang dần bị mai một, còn chăng chỉ xuất hiện ở số ít vùng quê, hay tại vài ngôi đình, chùa cổ chốn thị thành. Câu chuyện cây nêu Việt Nam ở một không gian trưng bày quốc tế hơn 40 năm trước như một gợi nhớ nhỏ thầm lặng trong không khí Xuân tưng bừng, rộn rã. Hi vọng gợi nhớ nhỏ sẽ thắp lên ngọn lửa hy vọng mạnh mẽ, như mong muốn của người họa sĩ già và nhiều người hoài cổ rằng: tinh hoa dân tộc, ngành nghề truyền thống của cha ông sẽ không bao giờ mai một, sẽ phát triển và trường tồn.

Chuyên đề