Việt Nam đang trở thành một biểu tượng mới của thống nhất và đoàn kết |
Năm 1975, tôi mới là một cậu trai trẻ 15 tuổi, bắt đầu có những suy nghĩ thiết thực cho bước đường tương lai. Năm 2020 này, tôi tròn một hoa giáp, tức là đã hoàn tất hầu hết cái kế hoạch của đời mình, do chính mình khởi thảo trước đó 45 năm, từ học tập, thành nghề, rồi đi làm và giờ đã vừa xong một đời công tác, phấn đấu.
Lịch sử Việt Nam mới ghi dấu 75 năm kể từ ngày thành lập nước. Trong đó, 30 năm đầu là chiến tranh, hết chống Pháp, rồi đến chống Mỹ. Ta thường gọi là hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và hy sinh. Khi nghĩ về những năm tháng chiến tranh, những người đã từng trải qua đều có cảm giác là thời kỳ ấy kéo dài dằng dặc... Từ ngày thống nhất đất nước đến nay đã 45 năm, dài gấp rưỡi thời gian chiến tranh, thế mà nhiều người lại không có cảm giác rằng nó đã dài đến thế. Vì thế mà câu hỏi tôi đề cập chắc không lạ với nhiều người.
Trong chiến tranh, chúng ta thường nghĩ: Khi nào đất nước hòa bình, thống nhất, sẽ nhanh chóng xây dựng lại quê hương xứ sở, cuộc sống của ta sẽ nhanh chóng đủ đầy và hạnh phúc. Tất cả chúng ta được khích lệ bởi câu thơ Bác Hồ viết trong Di chúc: "Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay".
Bây giờ, so với ngày mới ra khỏi hai cuộc chiến tranh kéo dài, đất nước đầy những dấu tích tàn phá của đạn bom, thì đúng là "hơn mười" lần xưa.
Nhìn lại 45 năm sau ngày thống nhất, những gì đạt được hiện nay là rất đáng trân trọng và tự hào. Đất nước đã có một cơ đồ đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Cuộc sống người dân đa phần thoát khỏi đói nghèo. Một đội ngũ doanh nhân mới đã được hình thành, làm rường cột cho công cuộc phát triển. Đất nước đã có vai trò, vị thế và tiếng nói với muôn phương thế giới, đã tham gia vào những tổ chức toàn cầu, đã hòa chung, chia sẻ và điều phối những sự kiện toàn cầu. Gương mặt và phẩm hạnh của con người Việt Nam đã sáng lên những thần thái mới để chủ động và tự tin hội nhập với thế giới.
Ở một phía khác, suy ngẫm về 45 năm đã qua, ta thấy đó là những năm tháng nhiều gian nan, nhiều nhọc nhằn, cam go, thách thức.
Sau ngày 30/4/1975 là gần 15 năm súng pháo lại nổ ran ở hai đầu đất nước. Bao người lính ngã xuống ở biên giới phía Bắc, biên giới phía Tây Nam, chiến trường Campuchia. Cuộc sống của nhân dân cả nước rơi vào tình trạng trăm bề thiếu thốn, chìm trong bao cấp, giữa hoàn cảnh bị bao vây, cấm vận, các nguồn viện trợ bị cắt đứt. Nhân tâm đã có nhiều xáo trộn ghê gớm.
Tuy nhiên, tất cả những thành quả ấy so với kỳ vọng, so với thời gian dành cho phát triển, chúng ta vẫn chưa thể hài lòng.
Thời kỳ đã qua cho chúng ta những trải nghiệm và những bài học về những hạn chế cốt tử. Chính sách kinh tế thời bao cấp, ngăn sông cấm chợ, chính sách cải tạo tư sản, tư doanh đã ngăn cản sự thống nhất ước vọng dân giàu nước mạnh, làm chậm lại sự hình thành tầng lớp doanh nhân mới. Các biểu hiện suy thoái của cán bộ lãnh đạo, tệ nạn tiêu cực, tham ô, tư lợi và hủ bại đã làm giảm đi việc thống nhất các nguồn lực để phát triển. Đặc biệt, tệ nạn tham nhũng, lợi ích nhóm đã làm suy giảm nghiêm trọng lòng tin của nhân dân. Những điều ấy đã tác động ghê gớm đến cảm hứng và sự sáng tạo trong việc đóng góp năng lực cá thể vào sự nghiệp phát triển chung.
Tất cả những trải nghiệm và bài học chặng đường vừa qua đã trở thành hành trang giàu ý nghĩa trong chặng đường sắp đến, cho một cuộc lên đường mới đầy sức vóc mới.
Thời điểm chúng ta chào đón kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước lại rơi đúng vào cao điểm của cơn đại dịch Covid-19 diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Trong nguy nan, người Việt đã đoàn kết và thống nhất. Đại dịch hoành hành đe dọa sự an nguy toàn cầu, mà Việt Nam với dân số đông, trình độ phát triển chưa cao, điều kiện y tế chưa tốt, lại còn ở vị trí ngay sát trung tâm bùng phát dịch, đã hạn chế được đến mức thấp nhất tác động của đại dịch, được xếp trong nhóm đầu về chỉ số người dân tin tưởng vào chính quyền trong cuộc chiến đương đầu với đại dịch.
Việt Nam trở thành một biểu tượng mới của thống nhất và đoàn kết. Chính phủ quan tâm đến số phận và sự an nguy của từng người dân, xả thân, tận tụy và ứng biến kịp thời vì người dân. Người dân thống nhất một lòng, đặt niềm tin vào Chính phủ. Cả đất nước đã thể hiện cùng chung một tinh thần đoàn kết, một phong trào chia sẻ, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Cả đất nước cùng thống nhất tuân thủ những chỉ đạo và quy định của các cơ quan chức năng trong phòng chống dịch bệnh.
Giữa lúc khó khăn còn bộn bề này, những chính sách thiết thực hỗ trợ đời sống nhân dân, hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và chờ đợi thời điểm phát triển, đã được ban hành kịp thời. Các doanh nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng và người dân cùng chung tay đóng góp, tạo nên nguồn lực lớn lao để tham gia phòng chống dịch bệnh. Và quan trọng hơn, chúng ta đã nhìn vượt qua đại dịch để hướng tới những cơ hội mới trong thời gian tới.
Trong lúc còn đang căng mình đối phó, không chủ quan, rất bình tĩnh, chúng ta đã chuẩn bị đón đợi những nguồn ánh sáng mới.
Không pháo hoa rực rỡ, không ca hát nơi nơi vào dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước năm nay, mà Việt Nam bằng tư thế tự tin, bình tĩnh đi qua đại dịch như một biểu tượng mới về thống nhất và đoàn kết. Đây là thời điểm chúng ta có thêm một dịp suy ngẫm thật thấu đáo và sâu sắc về thống nhất đất nước, thống nhất con người, thống nhất sức mạnh, nguồn lực, thống nhất sức sáng tạo và cảm hứng vì một Việt Nam phát triển và thịnh vượng như mong ước ngàn đời nay của dân tộc ta!