Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Bloomberg. |
Thị trường chứng khoán Nga lao dốc chóng mặt và tỷ giá đồng Rúp rớt xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2), sau khi Nga tấn công Ukraine.
Vào buổi sáng, sở giao dịch chứng khoán Moscow tuyên bố tạm ngừng giao dịch, nhưng sau đó giao dịch đã được nối lại. Ngay khi được giao dịch trở lại, cổ phiếu đã giảm giá với tốc độ “kinh hoàng”.
Chỉ số MOEX của thị trường chứng khoán Nga có lúc giảm tới 45%, trước khi phục hồi nhẹ và đóng cửa với mức giảm 33%. Chỉ số RTS định giá bằng USD chốt phiên với mức giảm 39%. Cú sụt của phiên này cuốn phăng khoảng 70 tỷ USD giá trị vốn hoá của các công ty lớn nhất Nga.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là các ngân hàng và công ty dầu khí của Nga. Trong đó, cổ phiếu Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, mất 43% giá trị. Sberbank là một trong những ngân hàng Nga nằm trong danh sách trừng phạt mới nhất mà Chính phủ Mỹ đưa ra ngày 24/2.
Cổ phiếu hãng dầu lửa Rosneft giảm 43%. Hãng dầu khí Anh BP nắm cổ phần 19,75% trong Rosneft, và cổ phiếu BP giảm 4,6% trong phiên giao dịch tại London.
Cổ phiếu Gazprom, hãng khí đốt khổng lồ đứng sau đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2 giảm 35%.
Trong một tuyên bố, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cho biết đã yêu cầu các công ty môi giới dừng hoạt động bán khống (short) “xét tới tình hình hiện tại trên thị trường tài chính và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư”.
Đồng Rúp rớt giá xuống mức gần 88 Rúp đổi 1 USD vào cuối phiên, mất 8% giá trị so với phiên trước. Trong phiên, có lúc Rúp giảm hơn 10%, còn 89,6 Rúp đổi 1 USD.
CBR tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ và cung cấp thêm thanh khoản cho các ngân hàng.
“Phản ứng cảm xúc này là khó tránh khỏi, nhưng mọi thứ sẽ dần ổn định trở lại. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thực thi”, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nói với các nhà báo nước ngoài.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh cùng các đồng minh khác đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhưng cho thấy sự kiềm chế khi chưa nhằm vào ngành năng lượng của Nga hay loại nước này khỏi SWIFT - hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế với hơn 11.000 định chế tài chính tại 200 quốc gia. Các nước vùng Baltic gồm Lithuania, Estonia và Latvia ra một tuyên bố chung kêu gọi loại Nga khỏi SWIFT.
Về phần mình, SWIFT ra một tuyên bố nói rằng hệ thống này “là một sự hợp tác toàn cầu có quan điểm trung lập” và “bất kỳ một quyết định trừng phạt nào đối với quốc gia hay cá nhân tuỳ thuộc hoàn toàn vào các cơ quan hữu quan của chính phủ và quốc hội”.
Theo một ước tính của cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin vào năm 2014, nếu bị loại khỏi SWIFT, nền kinh tế Nga có thể suy giảm 5%.