Chứng khoán Mỹ xanh rực, giá dầu đạt đỉnh 2 tuần

0:00 / 0:00
0:00
Phiên này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 4 cả ba chỉ số chính cùng vượt mức trung bình 50 ngày. Đến hiện tại, thị trường đã tăng khoảng 7,4% từ mức đáy đóng cửa hôm 16/6...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (19/7), tiếp tục lên cao hơn khỏi mức đáy thiết lập vào tháng trước. Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang đặt cược vào các báo cáo tài chính khả quan và tin rằng thị trường đã thoát đáy. Giá dầu thô cũng tăng do nỗi lo nguồn cung thắt chặt.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 754,44 điểm, tương đương tăng 2,43%, đạt 31.827,05 điểm. Mức chốt của Dow Jones gần với mức đỉnh của phiên, do đà tăng của chỉ số được đẩy nhanh vào cuối phiên.

Chỉ số S&P 500 tăng 2,76%, đạt 3.936,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,11%, đạt 11.713,15 điểm.

Phiên này đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 4 cả ba chỉ số chính cùng vượt mức trung bình 50 ngày. Đến hiện tại, thị trường đã tăng khoảng 7,4% từ mức đáy đóng cửa hôm 16/6.

Giới đầu tư đang tin rằng thị trường đã chạm đáy sau đợt giảm chóng mặt từ đầu năm đến nay, khi loạt báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất cho thấy doanh nghiệp Mỹ đang vượt qua sức ép kinh tế tốt hơn so với dự báo trong quý 2.

“Cả nhà đầu tư và doanh nghiệp đều đã kỳ vọng lạm phát cao, nên các công ty đang phản ánh một điều rằng lạm phát cao xảy ra trong quý 2 không phải là một điều gì khiến họ bất ngờ”, Giám đốc đầu tư Kim Forrest của Bokek Capital Partners nhận định. “Điều gây bất ngờ là họ đã vượt qua được lạm phát đó một cách khả quan”.

Tâm lý của nhà đầu tư ở Phố Wall đã xấu đi tới mức mà một số người ở Phố Wall tin là sẽ có một đợt tăng xả ở phía trước. Sự hoảng loạn của thị trường có thể đã dẫn tới một cơ hội mua vào tuyệt vời – theo một cuộc khảo sát nhà đầu tư chuyên nghiệp của ngân hàng Bank of America. Cũng theo cuộc khảo sát này, sự bi quan của thị trường thời gian qua cho thấy người bán có thể đã bị loại hết, và cổ phiếu chỉ có thể tăng giá từ đây trở đi.

Cuộc khảo sát cho thấy phân bổ vốn vào cổ phiếu trong các danh mục đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008 - một tháng trước khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers sụp đổ - trong khi nắm giữ tiền mặt tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

“Các yếu tố nền tảng đang kém đi, nhưng tâm lý nói lên mọt điều rằng sự phục hồi sẽ đến trong những tuần tới”, chiến lược gia trưởng Michael Hartnett của Bank of America nhận xét.

Sự giảm giá của đồng USD cũng hỗ trợ cho phiên phục hồi này của thị trường, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích tiếp tục cảnh báo nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho việc có thêm thua lỗ trong thời gian tới.

“Tôi cho rằng tâm lý thị trường đang xấu và có thể sắp có một đợt phục hồi lớn. Nhưng ở thời điểm này, tôi nghiêng nhiều hơn về áp lực giảm hơn là khả năng tăng”, nhà phân tích Kevin Merritt của Wedbush viết trong một báo cáo.

Tất cả các nhóm cổ phiếu ngành trong S&P 500 đều tăng phiên này, dẫn đầu là nhóm dịch vụ truyền thông và công nghiệp với mức tăng hơn 3%.

Tính đến phiên này, đã có khoảng 9% số công ty trong S&P 500 báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, trong đó 2/3 đưa ra kết quả tốt hơn dự báo – theo dữ liệu từ FactSet.

“Giao dịch có thể sẽ tiếp tục giằng co, và thị trường sẽ có những đợt phục hồi trong xu hướng giá xuống (bear market rally) trong những tháng tới”, chuyên gia Chris Senyek của Wolfe Research nhận định.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăg 1%, chốt ở 107,35 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,6%, chốt ở 104,22 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ hôm 4/7 đối với dầu Brent và từ hôm 8/7 đối với dầu WTI. Nguồn cung thắt lại và đồng USD giảm giá là những nhân tố hỗ trợ giá dầu phiên này, cho dù giá “vàng đen” vẫn đương đầu áp lực giảm từ nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát.

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác.

Bất ổn chính trị ở Libya tiếp tục đặt ra nguy cơ đối với nguồn cung dầu ở nước này. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Saudi Arabia, nhưng không nhận được lời hứa tăng sản lượng dầu nào. Theo dữ liệu mới, sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) mà Saudi Arabia là thủ lĩnh không chính thức đã giảm xuống mức 7,05 triệu thùng/ngày - thấp nhất 4 tháng.

Vào đầu phiên giao dịch, giá dầu đã giảm vì số liệu kinh tế kém khả quan. Tại Mỹ, hoạt động xây dựng trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất 9 tháng. Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán giảm điểm do nhà đầu tư bán cổ phiếu mạnh nhất trong hơn 1 tháng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo rằng bất kỳ hành động nào của Nga cắt khí đốt đối với châu Âu sẽ gây suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 nối Nga với Đức đã tăng vọt trước khi kết thúc cuộc bảo trì định kỳ hàng năm, do nhà vận hành tiến hành các cuộc thử nghiệm về áp suất đường ống.

Chuyên đề