Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 22/8 - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (23/8), đánh dấu phiên giảm thứ ba liên tiếp, khi nhà đầu tư lo lắng vì số liệu cho thấy nền kinh tế giảm tốc trước thềm hội nghị thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào cuối tuần này. Giá dầu thô tăng gần 4% vì tín hiệu có thể cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ Saudi Arabia.
Các chỉ số cùng chuyển sang sắc đỏ sau khi số liệu cho thấy hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân ở Mỹ giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 8, đặc biệt yếu trong ngành dịch vụ do nhu cầu đuối dần trong bối cảnh lạm phát tăng cao và các điều kiện tài chính thắt lại.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) S&P Global tháng 8 giảm xuống mức 45 điểm, thấp nhất kể từ tháng 2/2021, từ mức 47,7% trong tháng 7. Với các chỉ số PMI, mức điểm dưới 50 phản ánh sự suy giảm hoạt động.
Thị trường đương đầu với áp lực giảm lớn trong những phiên gần đây, khi tâm lý thận trọng gia tăng trước thềm hội nghị kéo dài 3 ngày của Fed bắt đầu vào ngày thứ Sáu (26/8) tại Jackson Hole, Wyoming. Trong ngày khai mạc hội nghị, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có bài phát biểu, được kỳ vọng sẽ tái khẳng định cam kết chống lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đang có sự bất đồng lớn về việc Fed sẽ tăng lãi suất với bước nhảy như thế nào trong cuộc họp tháng 9, liệu mức tăng 0,5 điểm phần trăm hay 0,75 điểm phần trăm sẽ được áp dụng. Gần đây, nhiều quan chức Fed đã có những phát biểu nhằm đẩy lui kỳ vọng rằng Fed sẽ chuyển sang mềm mỏng, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm của ngân hàng trung ương này kéo lạm phát về tầm kiểm soát.
“Trong tuần qua, mọi người đã ngộ ra rằng Fed vẫn có thể tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9”, ông Jake Dollarhide, CEO của công ty quản lý tài sản Longbow Asset Management, phát biểu. “Thị trường sợ rằng ông Powell sẽ lại đưa ra lập trường cứng rắn”.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất 1 tháng, phản ánh nỗi lo của thị trường về việc Fed tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát.
Một trong những cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này là Zoom Video Communications với mức giảm 17%, sau khi công ty công nghệ từng hưởng lợi từ xu hướng làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19 cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận cả năm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500, có 7 nhóm giảm điểm phiên này, dẫn đầu là nhóm bất động sản với mức giảm 1,46% và nhóm y tế với mức giảm 1,39%.
Sau khi giảm mạnh trong nửa đầu năm, chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh từ giữa tháng 6 dựa trên hy vọng rằng lạm phát đã qua đỉnh. Nhưng đà phục hồi đã bị gián đoạn trong tuần trước khi nhà đầu tư một lần nữa lo ngại rằng Fed sẽ đẩy mạnh việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Đóng cửa phiên này, S&P 500 giảm 0,22%, còn 4.128,73 điểm. Chỉ số Nasdaq đi ngang ở mức 12.381,3 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 0,47%, còn 32.909,59 điểm.
Cổ phiếu năng lượng giữ vai trò trụ đỡ cho thị trường trong phiên này, với mức tăng 3,6%, nhờ giá dầu tăng.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent giao sau tăng gần 3,9%, chốt ở 100,22 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 3,38 USD/thùng, tương đương tăng 3,7%, chốt ở 93,74 USD/thùng.
“Phần lớn động lực tăng giá dầu ngày hôm nay là những phát biểu từ Saudi Arabia mang theo tín hiệu về việc sản lượng dầu có thể được cắt giảm để ‘bình ổn’ thị trường”, chuyên gia Jim Ritterbursch của Ritterbursch and Associates nhận định. “Dĩ nhiên, với góc nhìn của Saudi Arabia, ổn định đồng nghĩa giá cao, và không ổn định đồng nghĩa giá thấp”.
Phát biểu hôm thứ Hai, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia nói rằng thị trường dầu tương lai và thị trường dầu vật chất đang bị “mất kết nối”. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) nói rằng liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ không sớm cắt giảm sản lượng, và nếu họ có giảm sản lượng, thì việc đó sẽ diễn ra khi Iran đạt thoả thuận hạt nhân với phương Tây và tăng mạnh xuất khẩu dầu trở lại.
Giá dầu thế giới đã tăng mạnh trong năm nay, có lúc giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng vào tháng 3, mức cao nhất 14 năm, do ảnh hưởng của chiến tranh Nga-Ukraine. Sau đó, mối lo suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát cao và nhu cầu suy yếu đã gây áp lực giảm mạnh lên giá dầu.
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng trên thị trường dầu vật chất, mọi dấu hiệu đều đang chỉ báo đến sự thắt chặt nguồn cung. Dữ liệu hàng tuần mới nhất của Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm 1,5 triệu thùng.