Chứng khoán Mỹ “thoát hiểm” nhờ tin kinh tế tốt

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch giằng co mạnh vào ngày thứ Năm...
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall trong một phiên giao dịch hồi năm 2016 - Ảnh: AP.
Các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall trong một phiên giao dịch hồi năm 2016 - Ảnh: AP.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch giằng co mạnh vào ngày thứ Năm, khi một số doanh nghiệp niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh không tốt như mong đợi, nhưng các thống kê kinh tế được đưa ra lại tốt hơn dự kiến.

Theo tin từ Reuters, số liệu công bố ngày 3/5 cho thấy số người Mỹ nhận trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1973 và thâm hụt thương mại của Mỹ lần đầu tiên giảm sau 7 tháng. Ngoài ra, số đơn đặt hàng mà các nhà máy ở Mỹ nhận được trong tháng 3 cũng tăng.

Nhờ đó, các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall chốt ở mức điểm tốt hơn nhiều so với mức đáy thiết lập trước đó trong phiên. Đã có lúc, hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm xuống dưới mức trung bình 200 ngày, một ngưỡng kỹ thuật quan trọng, lần đầu tiên kể từ đầu tháng 4. Tuy vậy, Dow Jones đã kết thúc ngày giao dịch với mức tăng nhẹ và S&P 500 cũng "thoát hiểm".

Cổ phiếu AIG giảm 5,3% sau khi hãng bảo hiểm này công bố lợi nhuận quý 1/2018 kém khả quan hơn dự kiến. Cổ phiếu nhà phân phố dược phẩm Cardinal Health sụt 21,4% sau khi công ty cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm.

Đa số các doanh nghiệp niêm yết ở Phố Wall đã công bố báo cáo tài chính quý 1 tính đến thời điểm này đều đạt lợi nhuận khả quan. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp đã đạt đỉnh. Giới phân tích kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái của các doanh nghiệp thuộc S&P 500 đạt trung bình 25%.

"Tin tốt giờ đã thành tin xấu", ông Peter Kenny, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc Global Markets Advisory Group, phát biểu. "Chẳng còn gì thực sự hỗ trợ giá cổ phiếu trên bức nền như vậy".

Chốt phiêu, Dow Jones tăng 0,02%, đạt 23.930,15 điểm. S&P 500 giảm 0,23%, còn 2.629,73 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,18%, còn 7.088,15 điểm.

Giảm điểm là xu thế chung của chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch ngày thứ Năm. Chỉ số FTSEurofirst 300 của chứng khoán châu Âu giảm 0,7%, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,37%.

Một đoàn quan chức cấp cao Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã tới Bắc Kinh vào ngày thứ Năm để thảo luận về thương mại. Truyền thông Trung Quốc nói nước này sẽ không nhượng bộ những yêu cầu của Mỹ nếu Mỹ không làm việc với tinh thần "có đi có lại".

Triển vọng lãi suất đồng USD tăng cũng khiến các nhà đầu tư thận trọng trong phiên này. Tuyên bố sau cuộc họp chính sách ngày 1-2/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm 3 lần trong năm nay, với lần tăng tiếp theo có thể diễn ra vào tháng 6.

Việc FED duy trì chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần đã giúp đồng USD tăng giá mạnh gần đây. Chỉ trong 2 tuần, đồng bạc xanh đã hồi phục toàn bộ phần giảm giá kể từ đầu năm.

Trong khi FED nâng lãi suất, các ngân hàng trung ương lớn khác trên thế giới, bao gồm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chậm hơn trong việc giảm các biện pháp kích thích kinh tế. Điều này càng giúp củng cố sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Thống kê công bố hôm qua cho thấy lạm phát ở khu vực Eurozone bất ngờ giảm xuống mức 1,2%trong tháng 4, so với mức 1,3% trong tháng 3. Lạm phát giảm đồng nghĩa với ECB càng khó tăng lãi suất trong thời gian sớm.

Ngoài ra, thị trường còn thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 4 vào ngày thứ Sáu. Báo cáo này được xem là một "hàn thử biểu" quan trọng về sức mạnh của thị trường lao động và lạm phát của Mỹ.

Chuyên đề