Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, trong khi cổ phiếu năng lượng tăng vọt sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu lửa quan trọng của Saudi Arabia vào cuối tuần vừa rồi.
Vụ tấn công gây sụt giảm nguồn cung năng lượng đã đẩy cao mối lo của giới đầu tư về rủi ro địa chính trị và sức khỏe vốn đang yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu thế giới có lúc tăng gần 20% trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng của vụ tấn công nghiêm trọng. Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, đã tính xả dự trữ dầu lửa chiến lược để bình ổn nguồn cung.
Cổ phiếu năng lượng, nhóm tệ nhất trong chỉ số S&P 500 từ đầu năm đến nay, tăng 3,3% phiên này, đánh dấu phiến tăng mạnh nhất kể từ tháng 1. Giá cổ phiếu của các công ty dầu lửa như Apache, Helmerich and Payne, và Cimarex đồng loạt tăng từ 12-17%, dẫn đầu những cổ phiếu đi lên trong S&P 500.
Liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại phong trào Houthi ở Yemen cho rằng vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hôm thứ Bảy được thực hiện bởi vũ khí của Iran. Nhận định này đặt ra nguy cơ một cuộc xung đột toàn cầu có sự tham gia của Mỹ và Iran.
"Giới đầu tư Mỹ đang ‘nín thở’ chờ xem liệu Mỹ và đồng minh có thể sẽ làm gì", Giám đốc điều hành (CEO) Jack Dollarhide của Longbow Asset Management nhận xét.
Giá dầu tăng được dự báo sẽ ảnh hưởng bất lợi đến các ngành như vận tải và bán lẻ, khiến nhóm cổ phiếu hàng không thuộc S&P 500 giảm 2,1% và nhóm bán lẻ sụt 1,4%.
"Vụ tấn công nhằm vào Saudi Arabia ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn của nhà đầu tư về an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu. Sự việc đang khiến nhiều nhà đầu phải đánh giá lại rủi ro", ông Peter Kenny, nhà sáng lập Kenny’s Commentary, phát biểu.
Các cổ phiếu quốc phòng Raytheon, Lockheed Martin và Northrop Grumman đồng loạt tăng hơn 2%.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,52%, còn 27.076,82 điểm. S&P 500 giảm 0,31%, còn 2.997,96 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,28%, còn 8.153,54 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 8 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm.
Thị trường giá lên ở Phố Wall đã kéo dài hơn một thập kỷ. Nhiều chuyên gia nhận định rằng liệu xu hướng này có tiếp diễn hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có duy trì hạ lãi suất, cũng như tiến trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
FED sẽ tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Ngày thứ Năm, các quan chức cấp thứ trưởng của Trung Quốc sẽ có cuộc gặp với giới chức Mỹ ở Washington để chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra vào đầu tháng 10.
Căng thẳng dịu đi giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây đã đưa S&P 500 lên mức chỉ còn cách 1% so với đỉnh cao kỷ lục.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,12 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,11 lần.
Có tổng cộng 7,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.