Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng sụt điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, trong đó chỉ số Dow Jones rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh, khi loạt dữ liệu kinh tế u ám từ Trung Quốc và châu Âu khiến giới đầu tư thêm phần lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) lao dốc mạnh sau khi hãng tin Reuters đăng một bài điều tra nói rằng J&J đã biết việc sản phẩm phấn rôm trẻ em Baby Powder của hãng chứa chất a-mi-ăng (asbestos) suốt nhiều thập kỷ qua.
J&J đã lên tiếng phủ nhận bài báo của Reuters, nhưng cổ phiếu của hãng này vẫn sụt 10% khi chốt phiên, gây áp lực giảm mạnh mẽ lên hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones.
Mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị đẩy cao sau khi Trung Quốc công bố thống kê cho thấy tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng tháng yếu đi và tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng suy giảm. Tiếp đó, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng đưa ra những con số kinh tế gây lo ngại.
"Sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc là một kết quả của cuộc chiến thương mại đang diễn ra. Chắc chắn mối lo về kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành mối lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu", ông Ryan Larson, trưởng bộ phận giao dịch cổ phiếu thuộc RBC Global Asset Management, phát biểu.
Nhà giao dịch này cũng nhấn mạnh kết quả một cuộc khảo sát ý kiến các chuyên gia kinh tế do hãng tin Reuters thực hiện cho thấy khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 2 năm tới đã tăng lên mức 40%. Cũng theo kết quả khảo sát này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất với số lần ít hơn trong năm 2019.
Lúc đóng cửa, Dow Jones sụt 2,02%, còn 24.100,51 điểm. Mức điểm này thấp hơn 10% so với mức đóng cửa của chỉ số hôm 3/10.
S&P giảm 1,91%, chốt ở mức 2.599,95 điểm, thấp hơn 11,3% so với đóng cửa hôm 20/9.
Chỉ số Nasdaq giảm 2,26%, còn 6.910,67 điểm.
Cú giảm của cổ phiếu J&J đã khiến nhóm y tế thuộc S&P mất 3,4% phiên này, mức giảm mạnh nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P. Nhóm công nghệ, bao gồm nhiều công ty có hoạt động toàn cầu, nhất là ở Trung Quốc, giảm 2,5%. Nhóm năng lượng sụt 2,4% do giá dầu giảm.
Thống kê doanh số bán lẻ khả quan của Mỹ có vẻ như không có nhiều tác dụng hỗ trợ thị trường, với nhóm bán lẻ thuộc S&P giảm 2,4%.
"Các dữ liệu vững vàng của nền kinh tế Mỹ đang bị phủ bóng bởi nguy cơ giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhiều người lo sự giảm tốc đó sẽ lan đến Mỹ", ông Phil Blancato, Giám đốc điều hành của Ladenburg Thalmann Asset Management, nhận định.
Tuần này là một tuần giao dịch đầy biến động của chứng khoán Mỹ, với hàng loạt mối lo đe nặng tâm trí nhà đầu tư, từ vấn đề đàm phán thương mại Mỹ-Trung, lãi suất của FED, cho tới đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ, và những rắc rối về Brexit.
Tính chung cả tuần, S&P giảm 1,25%, Dow Jones mất 1,2%, và Nasdaq hạ 0,84%.
Trước khi thị trường mở cửa, giới đầu tư đón nhận tin Trung Quốc mua đậu tương Mỹ trở lại và Bắc Kinh tuyên bố tạm dừng việc áp thuế quan trừng phạt lên xe hơi nhập khẩu từ Mỹ bắt đầu từ ngày 1/1. Tuy nhiên, thông tin này dường như không đủ sức trấn an thị trường.
Trong số những cổ phiếu gây áp lực giảm mạnh nhất lên các chỉ số trong phiên này còn có cổ phiếu Amazon sụt 4%, cổ phiếu Apple mất 3,2%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 3,61 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 3,17 lần.
Có tổng cộng 7,89 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,97 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.