Chứng khoán Mỹ mất điểm trước loạt báo cáo quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
Ngoài ra, thị trường còn đang chờ kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)...
Các nhà giao dịch cổ phiếu xuất hiện ở cửa Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại số 11 Wall Street hôm 26/6/2020 - Ảnh: Reuters.
Các nhà giao dịch cổ phiếu xuất hiện ở cửa Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) tại số 11 Wall Street hôm 26/6/2020 - Ảnh: Reuters.

Kết quả kinh doanh không như mong đợi của Tesla và 3M gây áp lực giảm điểm lên thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (27/4), khiến chỉ số S&P 500 chốt phiên trong trạng thái giảm. Nhà đầu tư cũng giữ tâm lý thận trọng trước khi đón nhận loạt báo cáo kết quả kinh doanh từ Microsoft, Alphabet và loạt công ty lớn khác.

Cổ phiếu Tesla giảm 4,5% sau khi hãng xe điện này hôm thứ Hai công bố lợi nhuận kỷ lục trong quý 1 nhưng kết quả kinh doanh nói chung có một số điểm không đạt kỳ vọng của giới đầu tư. Thị trường thất vọng khi lợi nhuận của Tesla chủ yếu đến từ việc bán tín dụng carbon và tiền ảo Bitcoin, thay vì đến từ việc bán xe – lĩnh vực kinh doanh chính của hãng.

Sau khi thị trường đóng cửa phiên ngày thứ Ba, Microsoft và Alphabet công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021. Cổ phiếu Microsoft sau đó giảm 4%, còn cổ phiếu Alphabet tăng 5%.

Các cổ phiếu Apple, Facebook và Amazon – ba công ty công nghệ lớn khác dự kiến công bố báo cáo tài chính trong tuần này – giằng co trong phần lớn thời gian của phiên chính thức.

“Mọi người đều đang chờ kết quả kinh doanh của các công ty công nghệ lớn. Nếu các báo cáo là tốt, tôi cho rằng thị trường sẽ có xung lực tốt để đi lên. Còn nếu các báo cáo gây thất vọng, tuần này sẽ là một tuần đầy biến động”, CEO Jake Dollarhide của Longbow Asset Management nhận định.

Cổ phiếu 3M giảm 2,6% sau khi tập đoàn này cho biết gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và trận bão lạnh ở miền Nam nước Mỹ hồi tháng 2 đẩy chi phí gia tăng.

Tuy nhiên, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của các công ty trong S&P 500 trong quý 1 vẫn được dự báo tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý tăng mạnh mẽ nhất kể từ quý 4/2010 – theo số liệu của Refinitiv IBES.

S&P 500 và Nasdaq đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Hai, với sự hậu thuẫn từ loạt số liệu kinh tế khả quan gần đây, tốc độ nhanh chóng của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Mỹ, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, và các biện pháp kích cầu mạnh tay bằng chính sách tài khoá.

“Chúng ta đang ở trong thời điểm phục hồi của nền kinh tế. Người dân có nhiều tiền kích cầu để tiêu, và cũng có mong muốn tiêu tiền. Trong thời gian còn lại của năm nay, niềm tin của người tiêu dùng sẽ tiếp tục cải thiện”, nhà quản lý danh mục cấp cao Tom Martin thuộc Globalt Investments nhận định.

Ngoài ra, thị trường còn đang chờ kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết được quan điểm của ngân hàng trung ương này về các vấn đề quan trọng như lạm phát, mua trái phiếu, và rủi ro mà giá tài sản tăng cao đặt ra cho hệ thống tài chính. Giới phân tích dự báo Fed sẽ không có sự thay đổi nào trong lập trường chính sách khi kết thúc cuộc họp vào ngày thứ Tư.

Chuỗi dữ liệu khả quan của kinh tế Mỹ tiếp tục được nối dài, khi số liệu công bố ngày thứ Ba cho thấy niềm tin của người tiêu dùng nước này trong tháng 4 tăng lên mức cao nhất 14 tháng, trong bối cảnh có thêm nhiều cơ sở kinh doanh mở cửa trở lại, việc tiêm chủng được đẩy nhanh, và lượng tiền kích cầu lớn từ Chính phủ.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,01%, đạt 33.984,93 điểm. S&P 500 mất 0,02%, còn 4.186,72 điểm. Nasdaq sụt 0,34%, còn 14.090,22 điểm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,04 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,24 lần. Toàn thị trường có 9,7 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 9,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề