Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York hôm 11/8 - Ảnh: Reuters. |
Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ cùng lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/8) và hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tục, nhờ mức tăng khá mạnh của cổ phiếu Walt Disney. Tuy nhiên, mức tăng của thị trường bị hạn chế khi có dữ liệu cho thấy niềm tin người tiêu dùng suy giảm.
Giá dầu thô giảm vì mối lo biến chủng Delta làm chậm sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Trái lại, giá Bitcoin tăng vọt lên đỉnh của hơn 3 tháng.
DOW JONES VÀ S&P 500 LẬP KỶ LỤC 4 PHIÊN LIÊN TIẾP
Tăng 1%, Disney trở thành một trong những cổ phiếu trụ cột cho cả Dow Jones và S&P 500 trong phiên này. Nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu Disney sau khi công ty truyền thông và giải trí khổng lồ công bố lợi nhuận quý 2 vượt dự báo của thị trường. Kết quả này có được nhờ dịch vụ truyền nội dung (streaming) của Disney đạt lượng thuê bao lớn hơn dự báo và các công viên chủ đề của hãng có lãi trở lại sau một thời gian điêu đứng vì đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, một báo cáo từ Đại học Michigan đã phủ bóng lên tâm trí của nhà đầu tư. Chỉ số do đại học này thực hiện cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ giảm còn 70,2 điểm, mức thấp nhất trong 1 thập kỷ. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy biến chủng Delta của Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Đây là một điều đáng lo ngại. Tiêu dùng vẫn đang mạnh, nhưng sự mệt mỏi vì Covid bắt đầu ảnh hưởng đến tâm trạng của người tiêu dùng”, chiến lược gia Ross Mayfield thuộc Baird nhận định. Tuy nhiên, ông Mayfield cho rằng “dù phong toả hay mở cửa hoàn toàn trở lại, người tiêu dùng vẫn đủ mạnh để chi tiêu và giữ cho nền kinh tế tăng trưởng”.
Báo cáo kém khả quan về niềm tin tiêu dùng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm. Nhờ đó, một cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn tăng, như Microsoft tăng 1,05%.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,04%, đạt 35.515,38 điểm. S&P 500 tăng 0,16%, đạt 4.468 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,04%, đạt 14.822,9 điểm.
Đây là phiên lập kỷ lục thứ tư liên tiếp của cả Dow Jones và S&P 500. Tính cả tuần, Dow Jones tăng 0,87%; S&P 500 tăng 0,71%; và Nasdaq trượt 0,09%.
Những đỉnh cao mới được thiết lập trong những phiên vừa qua ở Phố Wall cho thấy giới đầu tư vẫn đang lạc quan vào sự phục hồi kinh tế. Sự lạc quan này có được nhờ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 khả quan hơn dự báo, việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật hạ tầng 1 nghìn tỷ USD, và dữ liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có vẻ đã qua đỉnh.
Sắp tới, tâm điểm chú ý của nhà đầu tư sẽ là hội nghị thường niên về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) diễn ra ở Jackson Hole, Wyoming. Các tín hiệu chính sách từ cuộc họp này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hướng đi của thị trường tài chính không chỉ ở Mỹ mà trên phạm vi toàn cầu.
Những ngày gần đây, một số quan chức Fed nói đã đến lúc ngân hàng trung ương này cần rút lại các biện pháp hỗ trợ tiền tệ đối với nền kinh tế, bao gồm cắt giảm chương trình mua tài sản. Dù vậy, cùng có một số quan chức Fed nói cần phải đợi thêm một thời gian.
GIÁ DẦU GIẢM LIỀN 2 TUẦN, BITCOIN LÊN GẦN 48.000 USD
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô giảm trong phiên ngày thứ Sáu, sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và một số tổ chức dự báo khác cho rằng tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta có thể làm chậm lại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 1%, còn 70,59 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 0,65 USD/thùng, còn 68,44 USD/thùng.
Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm gần 1%, còn giá dầu WTI gần như không thay đổi. Tuần trước, giá dầu Brent giảm 6%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất 4 tháng; giá dầu WTI sụt 7%, mạnh nhất 9 tháng.
Hôm thứ Năm, IEA nói nhu cầu dầu thô toàn cầu gần như không tăng trong tháng 7 và có thể sẽ tăng chậm trong thời gian còn lại của năm 2021 do biến chủng Delta có thể khiến các nền kinh tế phải áp dụng các biện pháp hạn chế.
Ngân hàng Goldman Sachs cắt giảm dự báo về mức thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu trong ngắn hạn còn 1 triệu thùng/ngày, thay vì 2,3 triệu thùng/ngày như trong dự báo đưa ra trước đó. Cơ sở của việc cắt giảm này là Goldman cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ yếu đi trong tháng 8 và tháng 9 do biến chủng Delta. Tuy nhiên, ngân hàng này dự báo sự phục hồi nhu cầu sẽ tiếp tục khi tốc độ tiêm chủng ngừa Covid được đẩy nhanh.
Trên thị trường tiền số, Bitcoin đang tăng mạnh trở lại sau vài ngày suy yếu. Một đỉnh mới của 3 tháng đã được thiết lập khi giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới tăng lên gần 48.000 USD.
Lúc hơn 7h sáng nay (14/8) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 47.727 USD, tăng hơn 7% so với cách đó 24 tiếng. Trong vòng 1 tuần, giá Bitcoin đã tăng hơn 11%. Đây là mức giá cao nhất của Bitcoin kể từ hôm 15/5.