Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục 5 phiên liên tiếp, dầu thô sụt giá, tiền ảo chững

0:00 / 0:00
0:00
Dow Jones và S&P 500 lập thêm đỉnh cao lịch sử mới, giá dầu thô giảm khá mạnh do tin xấu từ Trung Quốc, giá Bitcoin và nhiều tiền ảo khác đồng loạt đi xuống sau khi tăng mạnh vào cuối tuần...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 21/7 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ hôm 21/7 - Ảnh: Reuters.

Hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 của chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (16/8) khi nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu phòng thủ.

Giá dầu thô giảm khá mạnh do những dữ liệu kém khả quan về kinh tế Trung Quốc, trong khi thị trường tiền ảo chững lại.

“THANH KHOẢN ĐANG RẤT MẠNH”

Theo tin từ Reuters, những nhóm cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế như năng lượng, nguyên vật liệu thô và tài chính đi xuống sau khi có tin tăng trưởng sản lượng các nhà máy và tăng trưởng doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc cùng giảm mạnh và không đạt dự báo trong tháng 7. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy đợt dịch Covid mới và mưa lũ gây gián đoạn các hoạt động ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Tuy nhiên, những nhóm cổ phiếu phòng thủ như y tế, dịch vụ tiện ích và tiêu dùng thiết yếu lại tăng mạnh. Trong đó dẫn đầu là nhóm y tế với mức tăng 1,1%. Nhờ đó, thị trường chuyển từ trạng thái “đỏ” trong phần lớn thời gian của phiên sang “xanh” vào cuối phiên.

Đây là phiên lập kỷ lục thứ 5 liên tiếp của S&P 500 và Dow Jones, cho dù trước chuỗi phiên tăng này cả hai chỉ số đã có một số phiên giảm mạnh.

“Thanh khoản đang rất mạnh. Tiền cực nhiều, cả trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và trong túi của nhà đầu tư cá nhân. Vì thế mà bất kỳ cú giảm nhẹ nào cũng khiến người ta nhảy vào bắt đáy. Xu hướng tăng nhờ thế duy trì”, Phó chủ tịch Randy Frederick của Charles Schwab nhận định.

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,31%, đạt 35.625,4 điểm. S&P 500 tăng 0,26%, đạt 4.479,71 điểm. Nasdaq giảm 0,2%, còn 14.793,76 điểm.

Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ, bao gồm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 rất khả quan của các công ty niêm yết, bên cạnh chính sách tiền tệ và tài khoá siêu nới lỏng đã nâng đỡ và duy trì tâm trạng lạc quan trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đến nay đã tăng 100% kể từ mức đáy của thời gian đại dịch, thiết lập vào tháng 3/2020.

“Môi trường nói chung vẫn đang rất hỗ trợ các tài sản rủi ro, nên có một lực đẩy lên cho giá cổ phiếu”, chiến lược gia Kristin Hooper thuộc Invesco phát biểu.

Giới đầu tư ở Phố Wall đang chờ những tín hiệu mới về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có sớm thắt chặt chính sách tiền tệ. Biên bản cuộc họp gần đây nhất của Fed sẽ được công bố vào ngày thứ Tư. Làn sóng ca nhiễm mới Covid-19 do biến chủng Delta cũng đang ít nhiều khiến nhà đầu tư lo ngại về tác động kinh tế.

Cổ phiếu Tesla sụt 4,3% phiên này sau khi cơ quan an toàn giao thông Mỹ tuyên bố mở một cuộc điều tra chính thức nhằm vào hệ thống lái tự động Autopilot của xe Tesla sau một loạt vụ xe Tesla tông vào xe khẩn cấp khi lưu thông trên đường.

BIẾN CHỦNG DELTA GÂY SỨC ÉP GIẢM LÊN DẦU THÔ

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 1,08 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 69,51 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York giảm 1,15 USD/thùng, tương đương sụt 1,7%, còn 67,29 USD/thùng.

Trong phiên, có lúc giá của hai loại dầu giảm hơn 3% vì số liệu kinh tế xấu từ Trung Quốc. Giá dầu thu hẹp mức giảm vào cuối phiên sau khi nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng liên minh OPEC+ xác định không cần phải tăng sản lượng nhiều hơn nữa, cho dù Chính phủ Mỹ gần đây gây sức ép đòi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) bơm thêm dầu.

Hồi tháng 7, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8, cho tới khi sản lượng của nhóm hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch. Hiện nay, do chính sách hạn chế sản lượng của OPEC+, sản lượng của liên minh đang thấp hơn 5,8 triệu thùng/ngày so với trước đại dịch.

Nguồn tin từ OPEC+ nói rằng dữ liệu mới nhất từ OPEC và từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy thế giới tạm thời không cần thêm dầu. Tuần trước, một báo cáo của IEA cho biết sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ dầu đã đảo chiều trong tháng 7 và dự báo nhu cầu dầu sẽ chỉ tăng yếu trong thời gian còn lại của 2021 do ảnh hưởng của biến chủng Delta.

TIỀN ẢO TUỘT MỐC VỐN HOÁ 2 NGHÌN TỶ USD

Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin và nhiều tiền ảo lớn khác chững lại sau khi tăng mạnh vào cuối tuần, khiến tổng vốn hoá của thị trường giảm nhẹ dưới 2 nghìn tỷ USD.

Lúc hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com giảm 4% so với cách đó 24 tiếng, còn 45.740 USD. Hôm thứ Bảy, có lúc giá đồng tiền số lớn nhất thế giới vượt 48.000 USD.

Cùng thời điểm, giá Ethereum giảm 5,7%; Cardano giảm 5,6%; XRP giảm hơn 10%...

Giá trị vốn hoá của thị trường tiền ảo toàn cầu ở thời điểm trên là 1,98 nghìn tỷ USD, giảm khoảng 1,8% so với trước đó một ngày. Cuối tuần, vốn hoá của thị trường này tái lập mốc 2 nghìn tỷ USD lần đầu tiên sau gần 4 tháng.

Chuyên đề