Chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm điểm mạnh hôm qua. Ảnh:Reuters |
Chốt phiên, Dow Jones mất 4,15%, tương đương 1.033 điểm. Đây là lần thứ 2 trong tuần chỉ số này giảm trên 1.000 điểm. S&P 500 mất 3,75%. Còn mức giảm của Nasdaq là 3,9%, đẩy chỉ số này xuống đáy 2 tháng.
Thị trường đang biến động với biên độ mạnh, khi tăng giảm gần 2.300 điểm trong tuần qua. Chỉ số S&P 500 đã tăng/giảm 1% tới 5 lần trong 2 tuần. Năm ngoái, việc này chỉ xảy ra tổng cộng 8 lần. VIX – chỉ số đo biến động thị trường cũng đang gần chạm đỉnh 2,5 năm.
Chứng khoán Mỹ đã bước vào giai đoạn điều chỉnh, khi giảm 10% từ đỉnh chỉ trong 2 tuần. Mức giảm ngày của Dow Jones chưa bằng năm 2008, nhưng nó đang hướng tới tuần mất điểm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng này. “Thế giới vẫn chưa đến ngày tận thế. Nhưng việc này không dễ chịu một chút nào”, Rich Guerrini – CEO PNC Investments nhận xét trên CNN.
Kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư lại lo ngại về lạm phát và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm đỉnh 4 năm tại 2,88%. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường lo ngại về lạm phát.
Washington đang ngày càng tăng áp lực lên lãi suất. Tuần này, Thượng viện Mỹ đã đạt thỏa thuận giữa hai đảng về việc nâng trần chi tiêu thêm 300 tỷ USD trong 2 năm tới. Cùng với chính sách giảm thuế, việc này có thể khiến thâm hụt ngân sách liên bang tăng lên 1.070 tỷ USD trong tài khóa 2019, Bank of America ước tính.
Nó cũng sẽ buộc Bộ Tài chính Mỹ tăng đi vay bằng phát hành thêm trái phiếu. Để kích thích nhu cầu trái phiếu khi nguồn cung tăng cao, lãi suất có thể phải đi lên.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh từ sau khi Tổng thống Mỹ - Donald Trump đắc cử. Những cam kết của ông về giảm thuế doanh nghiệp đã giúp Dow Jones tăng tới 8.000 điểm. Dù vậy, một phần tư số này đã mất đi chỉ trong vài ngày qua.