Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Thị trường chứng khoán Mỹ yếu đi sau khi một loạt ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh quý 4 trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hoàn tất tuần giảm thứ hai liên tiếp từ đầu năm. Giá dầu tiếp tục tăng và đạt mức cao nhất 2 tháng rưỡi, giá Bitcoin cũng hồi nhẹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,56%, còn 35.911,81 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,08%, đạt 4.622,85 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,59%, đạt 14.893,75 điểm.
Sau khi liên tục tăng mạnh trong mấy tuần gần đây nhờ lãi suất tăng, cổ phiếu nhiều ngân hàng đồng loạt giảm phiên này. Các ngân hàng lớn mở đầu mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 bằng những con số khả quan, nhưng điều đó không thể ngăn nhà đầu tư bán ra cổ phiếu.
JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ về giá trị tài sản, có doanh thu và lợi nhuận quý 4 đều đạt dự báo, nhưng giá cổ phiếu giảm hơn 6% phiên này. Lợi nhuận của JPMorgan Chase hưởng lợi nhiều từ một đợt xả dự trữ tín dụng quy mô lớn, và Giám đốc tài chính Jeremy Barnum cảnh báo rằng ngân hàng này có thể không đạt mục tiêu lợi nhuận trong 2 năm tới.
Cổ phiếu Citigroup giảm gần 1,3%, sau khi ngân hàng đưa ra mức doanh thu vượt dự báo nhưng lợi nhuận giảm 26%. Cổ phiếu Morgan Stanley và Goldman Sachs, hai ngân hàng dự kiến sẽ công bố báo cáo tài chính quý 4 vào tuần tới, cũng giảm.
Trong khi đó, cổ phiếu một ngân hàng lớn khác là Wells Fargo tăng gần 3,7%, sau khi ngân hàng công bố doanh thu vượt dự báo.
Cổ phiếu sòng bạc trở thành một điểm sáng trong phiên này, sau khi chính quyền Macau tuyên bố sẽ chỉ cấp 6 giấy phép hoạt động sòng bạc tại vùng lãnh thổ. Cổ phiếu Las Vegas Sands tăng 14,1% và Wynn Resorts tăng 8,6%. Cổ phiếu dầu khí cũng tăng nhờ giá dầu thô đi lên.
Thống kê kinh tế công bố ngày 14/1 cho thấy doanh thu bán lẻ ở Mỹ giảm 1,9% trong tháng 12, tệ hơn nhiều so với mức dự báo giảm 0,1% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Chỉ số niềm tin tiêu dùng tháng 1 do Đại học Michigan thực hiện cũng thấp hơn dự báo do kỳ vọng lạm phát dài hạn của người Mỹ tăng.
“Làn sóng biến chủng Omicron có thể đã gây áp lực lên ngành bán lẻ, nhưng còn có những yếu tố khác ảnh hưởng. Nếu chỉ do Covid, mọi người đã chuyển từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến, nhưng doanh thu bán lẻ trực tuyến trong tháng 12 giảm 8,7%”, chuyên gia kinh tế Daniel Silver của JPMorgan Chase nhận định.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có một sự khởi đầu năm 2022 đầy sóng gió. Cổ phiếu công nghệ đã lao dốc trong tuần đầu năm do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt. Tuần này, cổ phiếu công nghệ đã hồi phục, trong khi lợi suất đi xuống. Thay vào đó, áp lực giảm lại chuyển sang các nhóm cổ phiếu khác, đặc biệt là nhóm ngân hàng.
Cả tuần, Nasdaq giảm 0,28%, Dow Jones và S&P 500 giảm tương ứng 0,88% và 0,3%. Đây là tuần giảm thứ ba liên tiếp của Nasdaq và là tuần giảm thứ hai liên tiếp của cả ba chỉ số kể từ đầu năm.
“Phản ánh sự cứng rắn của Fed vào giá tài sản sẽ là một quy trình, chứ không thể diễn ra trong một tuần. Phản ánh này đã diễn ra nhiều trong tuần trước, nhưng vẫn phải là một quy trình, và tôi cho rằng chúng ta sẽ còn những ngày biến động nữa của cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng nói chung trong quý này”, chuyên gia Alicia Levine thuộc BNY Mellon Wealth Management phát biểu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,59 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 86,06 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối tháng 10. Tuần này, giá dầu Brent tăng 5,4%.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,7 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, chốt ở 83,82 USD/thùng. Tuần này, giá dầu WTI tăng 6,3%.
Cả giá dầu Brent và WTI đều đang ở trong vùng mua quá nhiều (overbought) lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10.
“Mọi người đang nhìn vào bức tranh lớn và nhận thấy rằng nguồn cung dầu toàn cầu so với nhu cầu là rất thắt chặt. Điều đó tạo ra một cú huých quan trọng cho thị trường”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group phát biểu.
Ngoài vấn đề nguồn cung, giá dầu tuần này còn được hỗ trợ bởi căng thẳng giữa Nga với phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine và sự giảm giá của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm gần 0,6% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 4 tháng.
Giới chức Mỹ ngày 14/1 cảnh báo rằng Nga đang chuẩn bị tấn công Ukraine nếu ngoại giao thất bại. Nga – quốc gia đang có 100.000 quân tập trung ở biên giới với Ukraine – công bố những bức ảnh cho thấy lực lượng của mình đang di chuyển.
“Nhân tố rủi ro chính trị gia tăng là một cú huých quan trọng đối với giá dầu”, nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital Management nhận định.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin tiếp tục xu hướng biến động chậm lại từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh không có những yếu tố tác động mạnh đến giá các tài sản số. Lúc gần 9h sáng nay (15/1), giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com là 43.011 USD, tăng hơn 1,1% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.