Mức vốn hóa thị trường đã tăng 73% so với cuối năm 2016, lên gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP. Ảnh: Lê Tiên |
Tháng 11 - điểm nhấn của sự bùng nổ
Trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index vượt mốc 980, tăng gần 48% so với thời điểm cuối năm 2016, mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, mức vốn hóa thị trường đã tăng 73% so với cuối năm 2016, lên gần 3.360 nghìn tỷ đồng, tương đương 74,6% GDP và vượt qua kế hoạch 70% mà Quốc hội phê duyệt cho đến năm 2020. Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Riêng quy mô vốn hóa của sàn HOSE có mức tăng 2/3 so với đầu năm, lên gần 110 tỷ USD nhờ sự đóng góp tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 10/2017, số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) cho thấy, việc vượt mốc 800 điểm, tăng trưởng 20% so với thời điểm đầu năm, chỉ số VN-Index đứng thứ 9 về mức tăng trưởng trong các chỉ số chứng khoán trên thế giới. Tuy vậy, VN-Index chỉ thực sự tăng mạnh từ tháng 11/2017. Kết thúc tháng 11, chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam lọt Top 3 chỉ số tăng mạnh nhất thế giới kể từ đầu năm và tăng trưởng mạnh nhất trong số các nước khu vực Đông Nam Á.
Tăng điểm mạnh là như thế, nhưng VN-Index lại tăng điểm trong tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” khi chủ yếu dựa vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn có “câu chuyện”, như VIC, VRE, SAB, BHN, VNM, MSN… Dòng tiền đổ vào và đẩy các cổ phiếu trụ này tăng trong sự ngỡ ngàng của thị trường.
Ông Lê Anh Minh, Giám đốc Phân tích cơ bản Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) từng thừa nhận điểm bất thường rằng giá nhiều cổ phiếu trong nhóm VN30 đã quá cao và thậm chí vượt mức giá mục tiêu của nhiều công ty chứng khoán. Trong một báo cáo, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đắt so với các thị trường khác. Công ty này cũng cho biết, yếu tố lớn và trọng yếu tiếp theo có thể giúp mức P/E tương đối đắt đỏ hơn nữa là việc thị trường được thăng hạng lên thị trường mới nổi.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia chứng khoán nhận định, việc thị trường tăng điểm mạnh đến từ kinh tế vĩ mô nhiều tiềm năng tăng trưởng cùng quyết tâm của Chính phủ kiến tạo; thông tin thoái vốn nhà nước (cụ thể qua các mã của SCIC như FPT, BMP, NTP, DMC, VCG, đặc biệt là VNM và SAB).
Tuy vậy, một yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sự bùng nổ của VN-Index trong tháng 11 đến từ việc khối ngoại liên tục mua ròng.
Báo cáo cập nhật từ NFSC cho thấy, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán trong tháng 11 ước đạt 343 triệu USD (trong đó, mua ròng 405 triệu USD cổ phiếu, bán ròng 62 triệu USD trái phiếu). Giá trị mua ròng của khối ngoại lũy kế 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,77 tỷ USD (750 triệu USD trái phiếu, 1,02 tỷ USD cổ phiếu), tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng xấp xỉ 59% so với cuối năm 2016.
Triển vọng tích cực trong năm 2018
Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá sự tăng trưởng mạnh mẽ của VN-Index trong năm 2017 là yếu tố tích cực cho quý I/2018. Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân của SSI cho rằng, dù P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam bị đánh giá là đắt, nhưng việc khối ngoại liên tục mua ròng và mua ròng rất lớn trong tháng 11 lại minh chứng điều ngược lại. Nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho các cổ phiếu tốt bất chấp P/E bị coi cao là minh chứng cho thấy tầm nhìn của họ về tiềm năng phát triển mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.
“Việc khối ngoại liên tục mua ròng và mua ròng tích cực những cổ phiếu tốt như HPG, PVS, PVD… cho thấy đánh giá cao của nhóm này với thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2018”, ông Lê Anh Minh khẳng định.
Nói thêm về thị trường chứng khoán trong năm 2018, ông Minh đánh giá VN-Index chắc chắn sẽ tiếp tục tăng nhưng thị trường sẽ không còn dễ đầu tư như trong năm 2017.