Nhịp hồi vào cuối phiên hôm qua tưởng chừng sẽ mang lại sắc thái tích cực trong phiên hôm nay, tuy nhiên thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục lao dốc. Chốt phiên giao dịch ngày 24/10, VN-Index giảm gần 17 điểm (tương đương 1,8%) xuống 922,73 điểm. VN30-Index, chỉ số đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, mất mốc 900 sau khi giảm 11,5 điểm (tương đương 1,27%).
Trên sàn Hà Nội, tình cảnh cũng không khả quan hơn khi HNX-Index và UPCOM-Index mất lần lượt 1,27% và 1,04%.
Phiên giảm điểm hôm nay đánh dấu phiên thứ 5 liên tiếp VN-Index chìm trong sắc đỏ. Chỉ số đại diện cho HoSE đã mất gần 50 điểm kể từ phiên tăng gần nhất, lùi gần hơn tới mốc 900 điểm. Biến động bất ổn từ thị trường tài chính thế giới, cùng tâm lý ngày càng tiêu cực của nhà đầu tư khiến bên bán nắm thế chủ động trên thị trường.
Lực cầu bắt đáy cuối phiên hôm qua đã không được kéo dài sang phiên sáng nay khi thị trường chìm trong sắc đỏ ngay khi mở cửa. Chỉ số đại diện cho HoSE có thời điểm được kéo về gần mức tham chiếu nhưng đó cũng là mức cao nhất trong phiên có thể đạt được.
Giằng co đến hết phiên sáng, khi thị trường bước vào phiên chiều, trạng thái bán tháo ồ ạt một lần nữa được tái diễn - tương tự như phiên hôm qua. VN-Index nới rộng đà giảm lên gấp đôi ngay khi bắt đầu phiên chiều và gấp ba lần khi đóng cửa, sau phiên ATC bị bán ra ồ ạt.
Tâm điểm trong ngày hôm nay là nhóm cổ phiếu dầu khí, sau khi giá dầu đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch tối qua. Cổ phiếu PVD, GAS giảm sàn, PVS mất gần 9%, trong khi PLX cũng giảm gần 4%. Biến động tiêu cực của giá dầu thế giới đã đánh vào lòng tin của nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu dầu khí khiến lực bán ồ ạt đẩy ra thị trường.
Nhóm ngân hàng có vốn hóa trung bình cũng chịu sự điều chỉnh mạnh. Cổ phiếu BID bị bán về gần mức giá sàn, TCB của Techcombank giảm gần 4,7% trong khi VPBank và VIB đều giảm trên 3%.
Độ rộng của thị trường, mặc dù có sự cải thiện so với hôm qua, nhưng vẫn nghiêng về bên bán. Trên sàn HoSE, số cổ phiếu giảm gấp hơn hai lần số cổ phiếu tăng. Riêng trong rổ VN30, chỉ có 4 cổ phiếu tăng trong khi có tới 26 cổ phiếu giảm.
Thanh khoản toàn thị trường cũng chỉ bằng hai phần ba so với hôm qua khi đạt hơn 4.000 tỷ đồng, riêng sàn HoSE chỉ đạt hơn 3.500 tỷ. Dấu hiệu này cho thấy lực cầu đã yếu đi rõ rệt khiến thị trường trở nên rủi ro hơn, trạng thái bán tháo không còn lực cầu đủ mạnh để đỡ lại.
Sau phiên hôm nay, ngưỡng 900 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ mạnh với thị trường trong ngắn hạn, tuy nhiên theo các thành viên thị trường, nếu để mất mốc này trạng thái rủi ro sẽ tăng cao đến mức khó kiểm soát.
Kết quả kinh doanh quý III được công bố liên tiếp gần đây dường như không đủ mạnh để đưa VN-Index tìm lại sắc xanh. Điểm sáng hiếm hoi hiện giờ là nhiều cổ phiếu đã giảm đủ mạnh về ngưỡng hấp dẫn với dòng tiền trung và dài hạn. Sắc xanh có thể trở lại trong những phiên tới khi những nhà đầu tư có tầm nhìn xa hơn tham gia tích lũy cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có một dấu hiệu cụ thể xác nhận một xu hướng rõ ràng, mức độ rủi ro, vì thế, vẫn đang tiếp tục tăng.