Chứng khoán châu Á xuống đáy 2 tháng vì Mỹ - Trung

Các chỉ số tại Nhật Bản, Hàn Quốc sáng nay có lúc giảm 2%, thị trường Trung Quốc cũng mất gần 1%.
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh:AFP
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi bảng điện tử. Ảnh:AFP

Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương sáng nay đi xuống phiên thứ 7 liên tiếp, giảm 1,46% xuống đáy 2 tháng. Đây là đợt mất điểm dài nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2018.

Tại các thị trường lớn trong khu vực, mức giảm ngày càng tăng sau khi mở cửa. Nikkei 225 (Nhật Bản) hiện mất 2%, xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 6. Kospi (Hàn Quốc) giảm gần 2% xuống đáy 2,5 năm. Còn thị trường Australia đã đỏ lửa phiên thứ 4 liên tiếp.

Chứng khoán Trung Quốc vừa mở cửa cũng đi xuống. Shanghai Composite mất 0,84%. Hang Seng Index giảm tới 2,26% do cuộc biểu tình phản đối chính quyền đặc khu Hong Kong. Biểu tình đã gây gián đoạn về giao thông và hoạt động tại nhiều khu vực.

Thị trường châu Á vẫn chịu ảnh hưởng sau tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước, rằng sẽ đánh thuế nhập khẩu 10% với số hàng hóa trị giá khoảng 300 tỷ USD của Trung Quốc. Lời đe dọa này đã chấm dứt thỏa thuận đình chiến mới kéo dài một tháng. Trung Quốc sau đó thông báo sẽ đáp trả.

Tuần trước, Wall Street cũng có tuần mất điểm mạnh nhất từ đầu năm. "Cú sốc từ tuyên bố của ông Trump được dự báo thống trị tài chính và kinh tế toàn cầu trong nhiều tuần và nhiều tháng tới", Ray Attrill – Giám đốc Chiến lược Ngoại hối tại National Australia Bank nhận định. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm gián đoạn nguồn cung và kéo tụt tăng trưởng toàn cầu hơn một năm qua.

Giá Nhân dân tệ trên thị trường quốc tế sáng nay xuống thấp kỷ lục, giảm 0,8% so với đôla Mỹ. Hiện một USD đổi được 7,0299 NDT.

Trong khi đó, giá các công cụ trú ẩn như yen Nhật và franc Thụy Sĩ lại tăng do căng thẳng thương mại leo thang. Mỗi ounce vàng sáng nay đã tăng 7 USD so với cuối tuần trước, lên 1.447 USD một ounce.

Trên thị trường dầu thô, mỗi thùng Brent hiện giảm 0,73% xuống 61,44 USD. Dầu thô Mỹ WTI cũng mất 0,45% về 55,41 USD một thùng.

Chuyên đề