Nhà đầu tư tại một công ty môi giới chứng khoán ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh:Reuters |
Tại Nhật Bản - thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 mở cửa giảm tới 1,3%. Hiện tại, đà giảm đã chậm lại, chỉ còn 0,7%. Kospi (Hàn Quốc) cũng mất 1,03%. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương theo dõi chứng khoán toàn khu vưc (trừ Nhật) hiện mất 0,74%.
Thị trường Trung Quốc mới mở cửa cũng giảm theo xu hướng chung. Shanghai Composite hiện mất 0,41%. Trong khi đó, Hang Seng Index trên sàn chứng khoán Hong Kong mất 0,8%. Hàng loạt thị trường khác, từ Australia, New Zealand, Đài Loan, Malaysia, Singapore đến Thái Lan cũng chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán Mỹ hôm qua bị bán tháo phiên thứ hai liên tiếp. Nasdaq đóng cửa ở đáy 7 tháng, trong khi S&P 500 và DJIA xuống thấp nhất kể từ cuối tháng 10. Nhóm cổ phiếu công nghệ và năng lượng mất giá mạnh. Cổ phiếu các đại gia bán lẻ như Target hay Kohl’s cũng bị nhấn chìm sau dự báo lợi nhuận yếu, khiến nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ.
"Rất khó chỉ ra một nguyên nhân đơn lẻ nào khiến nhà đầu tư toàn cầu rời bỏ tài sản rủi ro. Apple và căng thẳng thương mại gần đây là lý do phổ biến, nhưng không phải là duy nhất", Soichiro Monji – nhà kinh tế học cấp cao tại Daiwa SB Investments nhận xét, "Thị trường dường như bắt đầu chuẩn bị cho thời kỳ kinh tế toàn cầu mất đà, dù hiện tại tăng trưởng vẫn khá tốt".
Đồng đôla sáng nay giảm nhẹ so với yen Nhật, sau khi tăng phiên hôm qua. Trong khi đó, euro gần như không thay đổi so với USD. Đôla Australia – vốn rất nhạy cảm với sự thay đổi trong tâm lý nhà đầu tư, cũng đứng yên sáng nay.
Giá dầu thô Mỹ hôm qua giảm tới 6%, xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2017. Hiện tại, giá đã tăng trở lại. Mỗi thùng WTI sáng nay tăng 1,27% lên 54,11 USD. Còn dầu Brent tăng tương tự lên 63,33 USD.
Trên thị trường vàng, giá hôm qua giảm gần 3 USD về 1.221 USD một ounce. Phiên sáng nay, kim loại quý ban đầu đi xuống, về dưới 1.220 USD. Hiện tại, giá đã tăng trở lại.