Tòa nhà CT6C xây dựng không phép. Ảnh: VTC News |
Tập thể cư dân chung cư CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) vừa có đơn kiến nghị gửi Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân TP Hà Nội, Sở Tài Nguyên - Môi trường về cấp sổ đỏ. Các hộ dân cho biết đã mua nhà dự án CT6C và chuyển về ở được 3 năm nay nhưng không được cấp sổ đỏ khiến việc giao dịch cũng như thế chấp cho các khoản vay gặp nhiều khó khăn. Đây là dự án do Công ty cổ phần Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes của ông Lê Thanh Thản làm chủ đầu tư.
UBND TP Hà Nội cũng vừa có có báo cáo và trả lời kiến nghị cử tri về đề nghị cấp sổ đỏ cho cư dân toàn CT6C thuộc dự án chung cư CT6 Kiến Hưng. Trong báo cáo nêu rõ, theo Quy hoạch thiết kế, dự án chỉ được duyệt 2 tòa chung cư CT6A và CT6B với 970 căn, trong đó 936 là căn hộ chung cư cao tầng, còn lại là thấp tầng và biệt thự liền kề.
Tuy nhiên, thực tế, chủ đầu tư đã xây dựng 3 tòa nhà, vượt một tòa CT6C so với được duyệt. Tổng số căn hộ xây vượt, không phép là 654 căn hộ và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng. Hiện tất cả đã được bán cho khách hàng và đưa vào sử dụng.
Theo ghi nhận của PV, hiện toà chung cư CT6C - tòa xây không phép, dân đã vào ở phủ kín toàn bộ. Nhiều hộ dân ở đây cho biết, khi họ mua giá không giảm hơn so với 2 toà CT6A, CT6B.
“Đến giữa năm 2015 bắt đầu có thông tin toà CT6C xây không phép, cư dân đã gửi thông tin này lên phường, quận nhưng không thấy trả lời. Bây giờ, nếu không làm được sổ đỏ thì muốn bán chuyển đi nơi khác cũng không ai dám mua”, anh Trung, chủ căn hộ toà CT6C nói.
Anh Hoàng, chủ một căn hộ ở tòa nhà này cho biết đã không còn sinh sống tại đây từ một năm nay và cũng cần tiền mua nhà nơi khác, song vì không có sổ đỏ nên không ai dám mua. Hiện anh chỉ có thể cho thuê với giá 4 triệu đồng mỗi tháng. Không ít hộ dân trong tòa nhà cũng có rơi vào cảnh tương tự, song từ nhiều năm nay đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được xử lý do công trình sai thiết kế theo quy hoạch.
Ông Lê Thanh Thản - đại diện chủ đầu tư Bemes cho biết, dự án CT6 Kiến Hưng được xây dựng từ năm 2007-2008 là thời điểm sáp nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội. Ông cũng cho biết, UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch cho phép chủ đầu tư xây 3 toà, trong đó 2 toà chung cư và một toà hỗn hợp khách sạn, văn phòng.
Tuy nhiên, sau này chủ đầu tư xây dựng, chuyển đổi công năng một toà từ khách sạn, văn phòng sang làm chung cư và Hà Tây hoàn tất việc sáp nhập vào Hà Nội thì chủ đầu tư không có báo cáo hoặc xin phép UBND TP Hà Nội về việc này.
Thừa nhận việc sai phạm trong xây dựng toà CT6C là do lỗi của chủ đầu tư, song ông cũng cho biết chưa có phương án xử lý với việc cấp sổ đỏ cho cư dân bởi vẫn phải phụ thuộc hết vào ý kiến của cơ quan quản lý.
Lãnh đạo của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội cho hay đã cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho các hộ dân của hai tòa nhà CT6A và CT6B.
“Riêng đối với tòa nhà CT6C mà chủ đầu tư tự ý xây dựng vượt ngoài thiết kế quy hoạch được duyệt, Sở đã làm báo cáo với UBND TP Hà Nội trong đó nêu rõ phương án giải quyết. Sau khi UBND TP Hà Nội chấp thuận, chúng tôi sẽ làm thủ tục để đảm bảo quyền lợi cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà”, vị này cho biết.