Chuẩn hóa thị trường để điều tiết giá vàng miếng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những biến động mạnh trên thị trường vàng miếng SJC thời gian qua được nhận định là do tâm lý muốn tích trữ vàng tăng trong khi nguồn cung mặt hàng này vẫn không đổi trong gần 10 năm qua. Tuy nhiên, đề xuất tăng cung vàng miếng với nhiều thương hiệu khác cần hết sức cân nhắc bởi có thể quay trở lại tình trạng vàng hóa nền kinh tế.
Ngày 9/1/2024, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra được giao dịch phổ biến ở mức 71 triệu đồng - 74 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng. Ảnh: Duy Hiệu
Ngày 9/1/2024, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra được giao dịch phổ biến ở mức 71 triệu đồng - 74 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng. Ảnh: Duy Hiệu

Ngày 9/1/2024, giá vàng miếng SJC mua vào - bán ra trên thị trường được giao dịch phổ biến ở mức 71 triệu đồng - 74 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn 11 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới 14 triệu đồng/lượng.

Trước đó, giá vàng miếng SJC đã có đợt tăng mạnh liên tục trong những ngày cuối tháng 12/2023 lên mức đỉnh 80 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng nhẫn khoảng 16 triệu đồng/lượng và cao hơn giá vàng thế giới khoảng 20 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá vàng quay đầu giảm mạnh từ ngày 28/12 sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Về nguyên nhân giá vàng biến động mạnh, giới phân tích cho biết, chỉ riêng giá vàng SJC mới có tình trạng này, chủ yếu là do yếu tố tâm lý, người dân muốn sở hữu loại vàng này dù cùng trọng lượng và hàm lượng vàng so với loại vàng khác.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì khẳng định, thực hiện chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế và đặc biệt là từ năm 2014 trở lại đây, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Như vậy, nguồn cung vàng miếng trong nước đã bị giảm đi, có thể có một phần vàng đó được chuyển sang sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, với biến động của giá vàng thế giới như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng rất lo ngại rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao. SJC là thương hiệu vàng mà người dân ưa chuộng hơn cả, là yếu tố đẩy giá loại vàng này lên cao nữa.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NHNN Đào Minh Tú, việc thực thi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng hơn 11 năm qua đã đạt được mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Song đến nay, các điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi nên việc sửa Nghị định 24 là cần thiết và đáng lẽ phải sửa đổi sớm hơn.

Tại Công điện số 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu NHNN: Dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia. Khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.

“Về việc sửa Nghị định, mục tiêu quan trọng nhất trong quá trình xây dựng và suốt quá trình triển khai Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Điều này cần phải xem xét thấu đáo”, ông Tú nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, kể từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, thị trường vàng đã được quản lý khá ổn định, vàng không còn là thước đo giá trị của nền kinh tế. “Sửa đổi cơ chế quản lý thị trường vàng cần hướng tới việc giúp giá vàng liên thông hơn với thị trường thế giới song cần bảo đảm mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế. Dù có thêm thương hiệu vàng miếng khác hay không vẫn phải bảo đảm vai trò quản lý nhà nước về vàng”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội, thị trường vàng chỉ biến động bất thường chủ yếu ở loại vàng miếng SJC. Trong đó, nhu cầu mua vàng SJC chủ yếu để chờ giá lên, tương tự với việc mua hàng hóa kỳ hạn trên nhiều thị trường khác.

Ông Minh cho rằng, việc cho phép thêm một số doanh nghiệp được nhập khẩu và sản xuất vàng miếng sẽ tương tự với cách quản lý “cấp hạn ngạch nhập khẩu hàng năm cho một số doanh nghiệp” như đã áp dụng trước khi Nghị định 24 có hiệu lực, có thể dẫn đến cách nghĩ của người dân là vàng miếng có giá trị cao hơn vàng cùng hàm lượng và chất lượng. Điều đó có thể khiến tình trạng vàng hóa nền kinh tế quay trở lại.

Vì thế, vị chuyên gia này đề xuất, việc sửa quy định về quản lý thị trường vàng cần hướng tới mục tiêu giải quyết bài toán của thị trường trong trung và dài hạn. Tức là, không chỉ nghĩ đến việc tăng cung vàng miếng trong một giai đoạn nhất định để cân bằng giá với thị trường thế giới. Thay vào đó, cần tách bạch hai thị trường vàng. Một là thị trường vàng vật chất dành cho những nhà sản xuất vàng trang sức hoặc sử dụng vàng làm nguyên liệu sản xuất các loại thiết bị đặc thù. Hai là thị trường vàng giao dịch tài khoản giống như sàn giao dịch hàng hóa đang được vận hành.

“Trên thế giới, giao dịch vàng hàng trăm tỷ USD vẫn diễn ra hàng ngày nhưng không phải vàng vật chất được vận chuyển từ cửa hàng vàng về nhà dân. Hiện chúng ta đã đủ điều kiện về công nghệ để xây dựng thị trường vàng tài khoản này. Vàng vật chất chỉ nên sử dụng cho nhu cầu thực tế. Khi đó, việc nhập khẩu và xuất khẩu vàng vật chất sẽ theo nhu cầu thực. Vấn đề cần làm là chuẩn hóa quy định về đúc vàng. NHNN có thể thuê nhiều doanh nghiệp đúc vàng theo quy chuẩn riêng và chỉ có 1 sản phẩm vàng vật chất duy nhất. Chuẩn hóa được cả hai thị trường này thì giá cả trên thị trường sẽ liên thông và vận hành tương tự cách thức quản lý của các thị trường vàng khác trên thế giới”, ông Minh nhận định.

Chuyên đề