Thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong và ngoài nước đang tiếp tục có diễn biến rất phức tạp. Số lượng ca bệnh Covid-19 trên cả nước tăng nhanh với trên 480 nghìn ca nhiễm mới. Số ca bệnh nguy kịch và tử vong tăng cao, đến nay đã có trên 13.000 trường hợp tử vong.
Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực HSTC, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, công tác tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành, quy định về phòng chống dịch tại một số địa phương vẫn còn chưa nghiêm, lúng túng, không nhất quán. Khu điều trị HSTC nói chung phân tán chia nhỏ theo quy mô chiếm 8 - 10% giường bệnh trong các cơ sở y tế. Đáng chú ý, số giường bệnh và năng lực HSTC hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 ngày càng tăng cao. Nhiều địa phương đang thiếu các trang thiết bị phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Nhiều bệnh viện có giường bệnh HSTC nhưng không có hệ thống Oxy trung tâm, hệ thống khí nén nên không sử dụng được máy thở. Các bệnh viện, cơ sở y tế không/chưa quan tâm đầu tư mua sắm bổ sung hệ thống Oxy lỏng trung tâm, nhất là bồn, bình Oxy lỏng và chai Oxy khí cùng các thiết bị đầu cuối cho người bệnh Covid-19. Những bất cập này có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến công tác điều trị người bệnh Covid-19, do các người bệnh này cần sử dụng một lượng lớn Oxy y tế.
Trong khi đó, về khả năng cung ứng, sản xuất Oxy y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện có 11 đơn vị sản xuất, cung ứng Oxy y tế với 26 nhà máy trên toàn quốc.
Theo Hiệp hội Khí Việt Nam (AIGA Việt Nam), tổng lượng sản xuất khí Oxy của các đơn vị thuộc Hiệp hội trong điều kiện bình thường hiện nay là 1.115 tấn/ngày, tăng hết công suất là khoảng 1.430 tấn/ngày. Đó là chưa tính lượng Oxy phục vụ trong sản xuất công nghiệp (lớn hơn sản lượng Oxy y tế hiện nay) có thể chuyển đổi thành Oxy y tế trong tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp với phóng viên Báo Đấu thầu, khâu sản xuất, cung ứng Oxy y tế đang có một số khó khăn trong việc vận chuyển (do thực hiện giãn cách xã hội của các tỉnh có dịch); chưa thực hiện tiêm vắc xin cho cán bộ, công nhân để duy trì sản xuất; chưa có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nhập khẩu bồn chứa, chai chứa, ống đồng Oxy để dự trữ; thiếu thông tin kết nối với hệ thống đại lý, trạm chiết nạp Oxy tại các địa phương...
Thành lập ngay Bộ phận điều phối Oxy y tế tại các địa phương
Vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để giúp các địa phương, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 chủ động tính toán nhu cầu sử dụng, xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm nhằm chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng Oxy y tế điều trị người bệnh Covid-19 theo các kịch bản, diễn biến dịch bệnh với phương châm "4 tại chỗ", cũng như kết nối chặt chẽ mạng lưới cung - cầu trên cả nước. Do đó, ngày 7/9/2021, Bộ Y tế phê duyệt Đề án Tăng cường khả năng cung ứng, sử dụng Oxy y tế cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Theo đó, Đề án chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Ở giai đoạn 1, các địa phương, nơi có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... lập kế hoạch và triển khai ngay các hoạt động cấp bách, trọng tâm trong vòng tối đa 1 tháng và các địa phương khác hoàn thành kế hoạch của địa phương trong vòng 2 tháng. Đến giai đoạn 2, tiếp tục triển khai các hoạt động chưa hoàn thiện, mở rộng quy mô, nâng cấp cơ sở hạ tầng Oxy, mua sắm thiết bị chứa Oxy... tăng cường sản xuất, điều phối hiệu quả mạng lưới sản xuất, cung ứng Oxy trên phạm vi toàn quốc.
Trước tiên, để chỉ đạo điều hành chuẩn bị sẵn sàng Oxy y tế chủ động trong phòng chống dịch trên địa bàn, UBND cấp tỉnh cần thành lập Bộ phận điều phối Oxy Y tế tại các địa phương, trong đó phân công một Phó chủ tịch UBND cấp tỉnh làm trưởng bộ phận, lãnh đạo Sở Y tế làm Phó thường trực bộ phận và thành viên thuộc các ban, ngành, đơn vị liên quan.
Việc tính toán nhu cầu sử dụng Oxy (dạng lỏng và dạng khí) dựa trên quy mô giường bệnh tương ứng với tháp 3 tầng điều trị tương ứng với mức độ không triệu chứng và nhẹ (tầng 1); vừa và nặng (tầng 2); nặng và nguy kịch (tầng 3). Các cơ sở điều trị Covid-19 là trạm y tế lưu động sẽ cần Oxy khí nén và tầng 1 sẽ cần Oxy khí nén, tầng 2 cần trang bị Oxy khí nén kết hợp Oxy lỏng, khí nén y tế 4 bar, tầng 3 cần Oxy lỏng, khí nén y tế 4 bar, khi hút chân không...
Để nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng Oxy y tế cũng như phòng tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong tình trạng khẩn cấp, các đơn vị sản xuất, cung ứng Oxy y tế được ưu tiên tiêm vắc xin sớm cho các nhân viên, đảm bảo hoạt động liên tục; được cấp giấy ưu tiên, luồng xanh cho những xe bồn, xe vận chuyển Oxy y tế được ra vào các khu vực bị phong tỏa, đường cấm trên quãng đường cung ứng cho các cơ sở y tế; được đảm bảo nguồn điện cung cấp ổn định và có cơ chế ưu đãi giá điện cho sản xuất; ưu đãi lãi suất vay, rút gọn thủ tục vay và thanh toán; ưu tiên thủ tục thông quan cho các sản phẩm nhập khẩu (bồn, bình, chai chứa, hệ thống khí Oxy trung tâm cùng các thiết bị đầu cuối và thiết bị phụ trợ sử dụng liên quan). Đồng thời, các đơn vị sản xuất, cung ứng Oxy y tế cũng cần chủ động khảo sát, lập phương án cung ứng, chiết nạp (có phương án dự phòng) cho cơ sở điều trị.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được nhiệm vụ đề ra trong Đề án này, theo Bộ Y tế, không chỉ riêng ngành y tế, Chính phủ, và các bộ, ngành, mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương và toàn xã hội.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)