Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với lãnh đạo Phòng Thương mại Hà Lan-Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Giới thiệu với Chủ tịch Quốc hội về tổ chức, hoạt động của Phòng Thương mại Hà Lan-Việt Nam (NVCC), Chủ tịch NVCC Erik Mattyssen nêu rõ, NVCC được thành lập sau khi một phái đoàn các doanh nghiệp Hà Lan đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Hà Lan có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Mục tiêu lớn nhất của NVCC là đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Hà Lan.
Các thành viên Ban lãnh đạo NVCC hiện tại cũng đều là lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đang có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đều đạt được nhiều thành công.
Ban lãnh đạo NVCC đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam; tin tưởng vào tiềm năng phát triển to lớn của kinh tế Việt Nam cũng như các cơ hội đầu tư rộng mở của nền kinh tế Việt Nam đối với các nhà đầu tư Hà Lan.
Hiện nay, Việt Nam và Hà Lan đang là đối tác kinh tế thương mại và đầu tư quan trọng của nhau, Hà Lan đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam tại EU. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 7,77 tỷ USD. Hà Lan hiện xếp thứ 11/126 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 305 dự án trị giá gần 8,2 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn của Hà Lan tại Việt Nam đang hoạt động hiệu quả.
Ông Erik Mattyssen cho biết, trước đây, mục tiêu chính của NVCC là cung cấp thông tin, giới thiệu về Việt Nam cho các doanh nghiệp Hà Lan nhưng hiện nay, doanh nghiệp Hà Lan đã hiểu nhiều hơn về Việt Nam, tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Điều này, một mặt cho thấy sự hợp tác ngày càng hiệu quả giữa doanh nghiệp hai nước nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu đối với NVCC phải đổi mới, thay đổi phương thức hoạt động để đóng góp thực chất hơn nữa vào việc thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động NVCC trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp Hà Lan tìm kiếm, phát triển cơ hội đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam; tin tưởng, với kinh nghiệm làm việc, sự hiểu biết về thị trường Việt Nam cũng như mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Hà Lan, Liên minh châu Âu, Đại sứ quán và các tổ chức khác của Việt Nam tại Hà Lan, NVCC sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Hà Lan vào đầu tư, kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội Việt Nam cam kết tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch và công bằng để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hà Lan nói riêng đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn NVCC tiếp tục là cầu nối cho các doanh nghiệp phát triển đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan. Ảnh: TTXVN
Cho rằng Hà Lan là nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp và ứng phó biến đổi khí hậu, có thể chia sẻ và hợp tác với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long có những điểm tương đồng với vùng đồng bằng của Hà Lan. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn Hà Lan chia sẻ những kinh nghiệm với Việt Nam trong việc phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vấn đề xây dựng chiến lược phát triển cũng như huy động tài chính...
Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan cho rằng, Việt Nam và Hà Lan có những điểm tương đồng, hai nước cùng đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu. Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội những kinh nghiệm của Hà Lan trong lĩnh vực này. Theo đó, Hà Lan đã ban hành Luật Đồng bằng. Thực hiện Luật này, Hà Lan đã bổ nhiệm chức vụ Ủy viên Đồng bằng có trách nhiệm theo dõi chiến lược giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo vệ nguồn nước, chống biến đổi khí hậu để trình lên Nghị viện xem xét, phân bổ nguồn tài chính bền vững và dài hạn.
Với kinh nghiệm từ thực tế về biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, Phó Cao ủy Chương trình Đồng bằng Hà Lan mong muốn sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội tiếp, làm việc với tiếp đại diện lãnh đạo Cảng quốc tế Rotterdam. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo Cảng Rotterdam hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khác của Việt Nam trong công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng cảng, đào tạo hàng hải, dịch vụ logistics, đối phó với triều cường và ngập lụt đô thị...
Đánh giá cao Chương trình kinh doanh quốc tế do Chính phủ Hà Lan bảo trợ về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, cảng và thủy nội địa giữa Việt Nam và Hà Lan mà Cảng Rotterdam cũng tham gia, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, chương trình này sẽ góp phần tạo hành lang vận tải thông suốt trong hệ thống kết nối vận tải đa phương thức cho đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Giám đốc Cảng quốc tế Rotterdam, ông René Van Der Plas đã chia sẻ những cảm nhận tốt đẹp về con người, cũng như cảnh quan thiên nhiên của Việt Nam, trong đó có những bờ biển đẹp, hấp dẫn mà ông chứng kiến trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017.
Giám đốc René Van Der Plas đã giới thiệu sơ bộ về Cảng quốc tế Rotterdam, là một trong những cảng lớn nhất ở châu Âu và thế giới có mô hình vận hành và quản lý hiện đại; đặc biệt là tạo ra nhiều công đoạn giá trị gia tăng (như cung cấp thiết bị hiện đại, phương tiện để sơ chế, lắp ráp, làm nhãn mác mới, đóng gói, phân loại…), tạo thuận lợi về kho, bãi và phân phối hàng hóa. Cảng đã trung chuyển khoảng 460 triệu tấn hàng hóa, hiện đứng thứ 8 trong số các cảng lớn trên thế giới.
Giám đốc René Van Der Plas cũng đã chia sẻ nguyên nhân dẫn đến thành công hiện nay là do cảng có vị trí chiến lược, gần biển, gần sông, là cửa ngõ để vào thị trường rộng lớn, trung tâm châu Âu. Do nhà nước điều hành, Cảng đã thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đến vận hành đầu tư kinh doanh rất hiệu quả. Cảng Rotterdam còn có sự kết nối các khu công nghiệp, có thể vươn tới thị trường sản xuất, tiêu dùng.../.